Chị Khai Tâm, một phụ huynh sống ở Nhật nhiều năm và hiện nuôi 4 con tại Matsuyama, Nhật Bản, đã có những chia sẻ đầy thú vị với Phụ nữ Việt Nam về những bữa ăn bán trú của các con chị tại trường. Các con của chị hiện ở các lứa tuổi, 5, 8, 13 và 16 tuổi, học trải đều các cấp học tại đây nên bản thân chị đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho hành trình nuôi con của mình.
Chia sẻ về bữa ăn của con và đặc biệt là chất lượng bữa ăn của các con ở trường có khiến chị yên tâm hay không, chị Tâm khẳng định rằng sự yên tâm của chị thể hiện ở chỗ không cần phải nghĩ đến việc đến trường giám sát bếp ăn của con. “Chúng tôi không cần phải làm điều đó bởi ít khi nghi ngờ về chất lượng ăn bán trú của con. Tất nhiên, nếu cha mẹ nào tò mò muốn đến trường, vào bếp của con xem các cô nấu nướng ra sao thì nhà trường hoàn toàn đồng ý” – chị Tâm nói.
Theo nữ phụ huynh, ở Nhật Bản, hệ thống trường công lập và tư thục đều có từ cấp bậc mẫu giáo. Mỗi loại hình có đặc thù riêng về bữa ăn trưa của trẻ.
Theo đó, trường mẫu giáo công lập (dành cho các em bé có cả bố và mẹ đi làm/đi học) thì thường có bếp ăn riêng ngay trong trường. Buổi sáng bố mẹ chỉ cần chuẩn bị cơm trắng cho vào hộp cơm. Đến bữa các cô ở phòng bếp sẽ mang thức ăn đến chia vào hộp.
Mọi dinh dưỡng về bữa ăn được tính chi li từng kcal, theo lịch cụ thể từng tháng. Cuối tháng nhà trường gửi lịch ngày này ăn gì, uống gì (mẫu giáo có bữa trưa và bữa phụ) để cha mẹ tiện nắm thông tin.
“Thực phẩm được lựa chọn 100% là sản phẩm quốc nội, không dùng đồ nhập khẩu mặc dù rau củ nhập ngoại ở Nhật rất nhiều. Mỗi sáng đưa con đến trường, đi ngang qua bếp nấu thôi là có thể ngử thấy mùi rất thơm tỏa ra” – chị Tâm chia sẻ.
Còn ở trường tư, do đặc thù là trường dành cho bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ không đi học đi làm nên tan học rất sớm, thường vào khoảng 2h30 chiều. Vì thế các bé chỉ có một bữa trưa. Và cũng vì bố mẹ “rảnh rỗi” hơn nên hệ thống trường tư này không có bếp ăn trong trường để phục vụ bữa ăn hàng ngày mà chủ yếu do gia đình chuẩn bị cơm bento cho con.
Gia đình nào không chuẩn bị được thì báo nhà trường đặt suất ăn học sinh, đến trưa có xe chở đến. Đến bữa xe chở đến, chia vào nồi/khay rồi học sinh trực nhật tuần đó sẽ đến lấy mang về lớp. Cả cô giáo lẫn học sinh cùng chia nhau ăn.
Thực đơn mỗi tháng cũng được phát trước để đánh dấu lịch cơm trường. Theo chị Khai Tâm, các đơn vị cung cấp suất ăn đều do thành phố lựa chọn, việc giám sát chất lượng bữa ăn thuộc về các giáo viên và phòng giáo dục thành phố đảm trách.
Thực đơn và hình ảnh chụp thực tế từng phần ăn hàng ngày sẽ được đẩy lên website của trường, bố mẹ ở nhà có thể xem hàng ngày thực đơn và hình ảnh bữa cơm thực tế của con khi lên internet
“Cấp 1 ở đây đều là trường công lập. Lên cấp 2 mới bắt đầu có hai hệ thống khác nhau là công lập và tư thục. Hai cấp này đều ăn bán trú theo cách như trên. Riêng lên cấp 3 thì cả trường công lẫn trường tư đều quy định học sinh mang cơm hộp đi học” – chị Tâm cho biết thêm.
Điều đặc biệt khiến nữ phụ huynh cảm thấy hài lòng và yên tâm về bữa ăn của con, đó là năm nào nhà trường cũng có một ngày “dự giờ”, người tham dự chính là phụ huynh thay vì các quan chức trong ngành giáo dục.
“Nói là dự giờ nhưng dự cả… nửa ngày, bố mẹ đến từ sáng đến hết giờ ăn trưa, ăn cùng con, thực đơn như của các con. Năm học bắt đầu tháng 4 thì buổi dự giờ họp phụ huynh này thường vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5. Vào lớp 1 cũng thế, ngày họp đầu năm, phụ huynh họp xong cũng ăn bữa cơm như của các con trong lớp đang ăn, rất vui và thú vị”- chị Khai Tâm cho biết.
Về quy chế xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm ở Nhật Bản: Theo đó, hệ thống luật pháp Nhật Bản sẽ phạt rất nặng như phạt khoản tiền lớn có thể phạt tù 10 năm, rút giấy phép hoạt động… nếu các cơ sở (trong đó có trường học) vi phạm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản thực hiện cơ chế cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng hậu kiểm. Nếu phát hiện vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt tù đến 10 năm, rút giấy phép hoạt động, phạt khoản tiền lớn. Với chế tài nghiêm khắc nên ở Nhật Bản hiếm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặc dù để doanh nghiệp tự chủ trong kiểm soát chất lượng, nhưng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản vẫn thường xuyên tiến hành hậu kiểm. Mỗi năm một lần, cơ quan chức năng lại tiến hành thanh tra các công ty thực phẩm theo 5 tiêu chí: chất lượng vệ sinh thiết bị sản xuất, chất lượng vệ sinh cơ sở sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng nước và an toàn lao động. Những công ty nào không đạt chuẩn sẽ bị rút giấy phép và bị phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng. Mức phạt tù có thể lên đến 10 năm và phạt tiền có thể lên đến 3 triệu Yên, tương đương gần 30.000 USD (khoảng 680 triệu VNĐ). Với mức án phạt nghiêm khắc trên, công ty Nhật luôn chú trọng việc tuyển dụng các chuyên viên ATTP được đào tạo kỹ lưỡng, vượt qua các kỳ sát hạch do nhà nước tiến hành và được cấp bằng hành nghề có kỳ hạn 3 năm. Cơ chế kiểm soát nhiều lớp trên chính là lý do giải thích vì sao rất hiếm khi xuất hiện tình trạng ngộ độc tại Nhật mặc dù hàng quán, siêu thị thực phẩm hiện diện ở mọi nơi trên đất nước này. |