pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ ơi con chảy máu ở đũng quần!
Sáng sớm, khi đang ở trong phòng bếp tôi đã nghe thấy tiếng cô con gái 9 tuổi của mình khóc nức nở lúc bước ra từ trong nhà tắm. Tôi lắng nghe xem đã có chuyện gì xảy ra với con, cô bé sụt sùi nói: "Con bị thương hay sao ý mẹ, con không thấy đau nhưng lại thấy chảy máu ở quần".
Sau khi kiểm tra, tôi vừa buồn cười vì sự ngây thơ của con nhưng cũng thật vui vì tôi biết giờ đây con gái mình đã bước sang một giai đoạn trưởng thành mới: Tuổi dậy thì. Tôi không nghĩ con lại bước vào giai đoạn này ở cái tuổi lên 9 nên chưa kịp chuẩn bị gì cho bé.
Tôi bỏ dở các công việc trong bếp và dẫn con vào phòng để nói cho con biết: "Con không hề bị thương, chảy máu cũng không phải điều gì quá nguy hiểm, chỉ là con đã bắt đầu đến tuổi dậy thì mà thôi. Đó chính là kinh nguyệt".
Những ngày sau đó, tôi bắt đầu mua những cuốn sách về tuổi dậy thì, về kinh nguyệt của con gái tuổi mới lớn cho con để con đọc, hiểu hơn về cơ thể của chính bản thân mình, để bé có những hướng xử trí đúng đắn.
1. Vì sao con lại có kinh nguyệt?
Kinh nguyệt xuất hiện khi con bắt đầu đến tuổi dậy thì, não bộ phát ra những tín hiệu để cơ thể sản xuất hormone, trong đó có hormone chuẩn bị cho việc thụ thai. Hormone này làm cho lớp niêm mạc tử cung dày hơn. Tiếp đó, một trong hai buồng trứng sẽ phóng thích trứng (rụng trứng). Sau khi rụng, trứng sẽ di chuyển về phía tử cung để làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng thì lớp niêm mạc của tử cung sẽ bong ra và chảy ra bên ngoài qua âm đạo. Đó chính là máu kinh nguyệt.
2. Nó diễn ra như thế nào?
Thông thường kinh nguyệt sẽ xuất hiện ở các bé gái từ 12 tuổi, tuy nhiên, với các bé 8-9 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày bắt đầu của kỳ hành kinh này đến ngày bắt đầu của kỳ hành kinh kế tiếp. Chu kỳ này thường kéo dài từ 21-35 ngày và bé gái sẽ có hành kinh trong vòng 3-7 ngày. Lượng máu mất đi sau mỗi kỳ hành kinh là từ 50-150 ml.
3. Kinh nguyệt khiến con thay đổi tâm trạng
Trong những ngày xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt, tâm trạng của con có thể có chút thay đổi thất thường:
- Con mệt mỏi, căng thẳng.
- Con có thể bật khóc bất cứ lúc nào, cảm thấy khó chịu và dễ dàng buồn bã hơn.
- Nhức đầu hoặc đau nửa đầu.
- Đầy hơi, đầy bụng (như có khí ở trong) và đau bụng.
Tuy nhiên, không phải tất cả những đứa trẻ có kinh nguyệt đều trải qua những cảm xúc như trên, một số bé sẽ không hề có triệu chứng gì cả. Con yên tâm, những cảm xúc này chỉ kéo dài khoảng 1 ngày đầu tiên hoặc lâu hơn chút. Nếu nó làm phiền con quá nhiều, hãy nói với mẹ.
4. Mụn nhọt và kinh nguyệt
Con đừng lo lắng nếu như khoảng thời gian có kinh nguyệt, gương mặt con xuất hiện thêm một số nốt mụn nhọt. Tuổi dậy thì mọc mụn cũng là điều dễ hiểu, con không cần quá lo lắng. Nó sẽ biến mất khi kỳ kinh đi qua.
5. Hãy cẩn trọng, con có thể mang bầu khi kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện
Khi bắt đầu có kinh nguyệt thì đồng nghĩa với việc một quả trứng sẽ bắt đầu rời khỏi buồng trứng và đi vào trong ống dẫn trứng. Nếu nó gặp tinh trùng (của nam giới) sẽ có thể xảy ra quá trình thụ tinh để tạo thành em bé. Vì vậy, con cần cẩn trọng khi tiếp xúc với những bạn nam để không xảy ra tình trạng quan hệ tình dục không an toàn. Còn tình dục không an toàn là như thế nào, mẹ sẽ kể cho con nghe ở một lần rõ ràng hơn.
6. Con phải chuẩn bị những gì cho kì kinh?
Điều đầu tiên đó chính là một tâm hồn thư thái, tinh thần thật tốt để tâm trí tránh bị ảnh hưởng.
Sau đó, con có thể dùng băng vệ sinh hoặc tampon cho những ngày này để cảm thấy thực sự thoải mái. Nên nhớ, việc sử dụng tampon không hề ảnh hưởng đến màng trinh của con.
Thứ ba, con cần vệ sinh thân thể, nhất là các bộ phận sinh dục một cách an toàn và sạch sẽ để đảm bảo nó được "khoẻ mạnh" trong thời kỳ kinh nguyệt.
Còn bây giờ, con đã thực sự thoải mái để "chiến đấu" với những kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tuổi dậy thì chưa? Đừng lo, mẹ sẽ luôn bên con.