Mẹ Phấn của lớp học 'trọc đầu'

28/11/2015 - 09:21
Cô Đinh Thị Kim Phấn đã không còn xa lạ đối với hầu hết những gia đình có con điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Lũ trẻ nơi đây gọi cô là 'mẹ Phấn'.
7 năm qua, vào 2 ngày cuối tuần, lớp học chữ trong Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM đã trở thành nơi dạy học của cô Phấn và các đồng nghiệp, tình nguyện viên với những bệnh nhi ung thư điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Ngay từ khi mới ra trường, cô giáo Kim Phấn đã mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, lên những bản làng Tây Nguyên để gây dựng sự nghiệp “trồng người”, cho tới khi trở lại thành phố và nghỉ hưu, ngọn lửa nghề dạy học trong cô vẫn chưa khi nào tắt. Song, đến với lớp học thiện nguyện dành riêng cho những đứa trẻ tại BV Ung Bướu TPHCM thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, cô Phấn đã đi gõ cửa từng phòng bệnh, thuyết phục từng phụ huynh đồng ý cho các em tham gia lớp học.

Mặc dù vậy, cô Phấn vẫn bảo: “Lớp học càng vắng thì càng thấy hạnh phúc”. Bởi lớp vắng nghĩa là có ít em nhỏ bị bệnh, phải bỏ học vào bệnh viện điều trị hoặc các em đã khỏi bệnh được về nhà, được đến trường.

Cô Kim Phấn kèm một bệnh nhi trong lớp học chữ tại BV Ung Bướu, TPHCM 

Năm 2007, khi biết đến “đóa hướng dương Lê Thanh Thúy” lúc em đang điều trị ung thư, rồi quỹ “Ước mơ của Thúy” ra đời do phóng viên Tố Oanh thành lập, tới lúc Thúy mất và chương trình “Viết tiếp Ước mơ của Thúy” ra đời, cô Phấn đều tham gia như một tình nguyện viên. Năm 2009, khi nhiều em tại BV muốn đi học, phóng viên Tố Oanh đã đến vận động cô Phấn tham gia và phụ trách lớp học chữ. Cô đồng ý và ngày 4/9/2009, lớp học chữ khai giảng với danh sách khoảng 45 học sinh lớp 1.

“Đó là khoảng thời gian khó khăn với tôi vì vừa phải dạy ở trường, vừa dạy thêm, lại phụ trách lớp học. Tôi trình bày với hiệu trưởng để tạo điều kiện xếp lịch dạy cho tôi trống chiều thứ 6 và 2 ngày cuối tuần. Mọi thứ dần hình thành, lớp học ban đầu chỉ có chương trình lớp 1, sau này triển khai tới lớp 8-9 theo nhu cầu của các em. Ban đầu, ở phòng sinh hoạt chung của BV, tôi chỉ dám xin từng ô để chứa tập, sách và đồ dùng học tập cho các em, rồi “lấn sân” sang 2-3 ô và hiện giờ, toàn bộ đồ trong phòng là của lớp học chữ”, cô Phấn nhớ lại.

Ngoài thời gian dạy chữ cho bệnh nhi, cô Phấn tranh thủ chụp lại những tấm hình sinh hoạt của từng em trong lớp, đặt tên file cho từng em trong máy tính và sắp xếp theo trình tự thời gian. Đó có thể là bức ảnh 1 cậu học sinh nằm thiếp trên giường vì vừa truyền thuốc, cũng có thể là tấm hình cô học trò nhỏ, đầu cạo trọc, 1 tay miệt mài học viết, tay kia đang treo lủng lẳng sợi dây truyền dịch hay cũng có thể là bức ảnh những học sinh xúm lại cùng chia nhau chiếc bánh, hộp sữa…

7 năm với rất nhiều thế hệ học trò, có em đã được điều trị khỏi bệnh, tiếp tục về quê đi học, có những em quay lại lớp học định kỳ theo lịch tái khám của BV; có những em mới nhập học và có những em đã ra đi mãi mãi. Những kỷ niệm và cả kỷ vật của từng em, cô Phấn đều lưu giữ. Đó có thể chỉ là cuốn tập, cây viết chì, chiếc thước, cục tẩy hay những bông hoa giấy được cắt và dán một cách vụng về mà các em dành tặng cô trong dịp 20/11.

“Bất kỳ lúc nào, chúng tôi cũng có thể phải đối diện với khoảnh khắc chia tay với một em nhỏ vô cùng dễ mến nào đó, dù trước đó không lâu em còn cười - khóc, chia sẻ những ước mơ ngô nghê mà vô cùng dễ thương. Rất nhiều em đã đi xa mãi, tôi muốn giữ lại chút ký ức và kỷ niệm của các em, gom lại thành album, gửi cho gia đình những cuốn tập mà các em từng viết như một sự đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau đó”, cô Phấn nói trong nước mắt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm