Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Trần Mai Anh - người nhận nuôi bé Thiện Nhân đã đăng tải một bức thư khiến hàng triệu người xúc động.
Trong dòng tâm sự, chị Mai Anh chia sẻ, những ngày gần đây cả hai mẹ con đang phải đối mặt với nhiều lời bàn tán của dư luận bằng hàng loạt câu hỏi như: “Mẹ đẻ của Thiện Nhân có tìm con không?”; “Nếu sau này mẹ Nhân tìm cháu thì chị có cho phép nhận nhau không?”; “Khi vứt bỏ Thiện Nhân mẹ cháu bao nhiêu tuổi?”…
“Tôi mong mỏi, mọi người hãy để cho Thiện Nhân tự quyết định quá khứ của mình khi thằng bé muốn. Mọi người hãy giúp bé Nhân, đừng để ai làm tổn thương nó thêm nữa, lỡ mai này tôi chết đi, không thể ở cạnh nó như bây giờ thì nó cũng vững vàng bước tiếp” - chị Mai Anh chia sẻ.
Dưới đây là bức thư chị Mai Anh chia sẻ trên trang cá nhân:
Thư gửi Thiện Nhân và những người thương yêu con,
Mẹ đang đau, đang chịu đựng, đang khóc. Trong cả cái hành trình đau khổ của 2 mẹ con mình, cái gì cũng cần tiết kiệm. Tiết kiệm nỗi đau. Tiết kiệm sự chịu đựng. Tiết kiệm cả nước mắt. Chỉ vì chúng ta có quá nhiều đau đớn.
Con đã từng hỏi câu hỏi mà nếu là con ai cũng muốn tìm câu trả lời: Tại sao con lại bị mất chân, mất chim?
“Nhân à, mẹ đã làm mất chân, mất chim của con đấy. Con có giận mẹ không?
Con không giận mẹ, vì mẹ là mẹ của con. Mẹ yêu con”
Cậu bé được mọi người đặt tên “chú lính chì dũng cảm” và chị Mai Anh là “người mẹ sinh con ra từ trái tim”.
Và thực sự là Thiện Nhân rất yêu mẹ. Chúng mình đã sống, đã yêu không chút giấu diếm, không một oán trách. Và mẹ hiểu, nếu ai yêu con thì con sẽ yêu lại.
Đời người chỉ cần sống có vậy.
Trong cái hành trình này mẹ chỉ đôi ba lần khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi chảy ra rồi lại nuốt vào lòng. Còn đêm nay mẹ đang khóc, mẹ khóc nức nở không dừng nổi. Khóc với cảm giác lần đầu tiên có - là sự sợ hãi khi mẹ quá bé nhỏ không còn bảo vệ được chàng trai Thiện Nhân của mẹ.
Mẹ con mình đã cùng nắm ngón tay cái của nhau qua các đợt phẫu thuật, nắm chặt tay nhau đối mặt với nhiều tò mò. “Mẹ đẻ của Thiện Nhân có tìm con không? Nếu sau này mẹ Nhân tìm cháu thì chị có cho phép nhận nhau không? Khi lúc vứt bỏ Thiện Nhân đi mẹ cháu bao nhiêu tuổi? Tại sao pháp luật lúc đó lại không xử lý ? ...”
Nhân chỉ có một mẹ, vì mẹ đã sinh ra con từ trái tim. Như Daddy Greig nói, khác khái niệm với Người đã đẻ ra một đứa bé.Mẹ đã sống, đã trải qua nhiều những nỗi đau không được phép nói ra lời, bằng cái cách làm gì tốt nhất, hợp với trái tìm mình nhất trong mọi hoàn cảnh. Và chàng trai Thiện Nhân cũng đã vì yêu mẹ mà sống theo như thế.
Chúng mình đã sống không có oán trách, đúng không Thiện Nhân. Nhưng điều đó không có ý nghĩa là chúng mình sống những ngày đáng giá như thế này để làm minh chứng tốt đẹp cho đáp án của các loại câu hỏi đó.
Vậy có câu trả lời nào được định sẵn cho bất cứ quá khứ hay tương lai liên quan tới Thiện Nhân được.
Chị Mai Anh đã cùng Thiện Nhân trải qua nhiều cuộc phẫu thuật điều trị. Ảnh: Facebook nhân vật
Những ngày này các bàn tán tò mò lại bắt đầu. Và mẹ không thể giang đôi cánh gà mẹ che khắp thế gian này để bảo vệ Thiện Nhân, bảo vệ quá khứ mà chúng ta đã từng thẳng thắn đối diện một cách bình thản nhất. Thế nên mẹ khóc.
Chắc chắn đến một ngày chàng trai bé nhỏ của mẹ đủ mạnh mẽ, đủ khôn lớn thì thời điểm và cách quyết định kết thúc mọi chuyện, kết thúc cái hành trình này là do con lựa chọn. Và mẹ vẫn bên con, con có thể nắm ngón tay cái của mẹ bất cứ lúc nào vẫn như mọi khi con nắm tay mẹ để bình thản chịu đựng từng mũi tiêm, từng giây phút sợ hãi trước khi thuốc mê lôi con chìm vào vô thức.
Thiện Nhân con, mẹ đã là người bắt đầu, nhưng người làm nên kết thúc sẽ là con đấy.
Và trước cái thời khắc kết thúc đó, mẹ có thể làm những gì để ngăn nổi thế gian này.
Mẹ đau, mẹ chịu đựng, mẹ khóc.
Chị Mai Anh cho rằng, sẽ đến một ngày, bé tự quyết định quá khứ khi bé muốn. Ảnh: Facebook nhân vật
Đau – Chịu đựng – Khóc - để hiểu rằng mẹ không thể đau hơn, không thể chịu đựng hơn, không thể khóc hơn nếu ngày mai kia có bất cứ cá nhân nào, bàn tán nào, bài báo nào đào xới về quá khứ mang nỗi đau tột cùng để làm đau đớn hiện tại, đớn đau thêm tương lai của Thiện Nhân.
Và mẹ cần tất cả những người yêu Chú lính chì Thiện Nhân giúp mẹ có thể yên tâm trước nỗi sợ hãi đong tràn nước mắt này, mẹ thực sự cần được chia sẻ, tiếp sức. Vì mẹ đang vẫn phải đi tiếp. Thiện Nhân cần phải sống tiếp.
Đời người chỉ cần sống có vậy.
Thời điểm tháng 7.2006, câu chuyện về bé trai sơ sinh bị súc vật cắn mất chân và một bộ phận sinh dục khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Sau khi được tìm thấy, bé đã được nhà báo Mai Anh nhận nuôi và đặt tên là Thiện Nhân. Chị đã “gõ cửa” mọi nơi để chữa trị cho cậu bé, chăm sóc, nuôi dạy cậu khôn lớn.
Xúc động trước sự nghị lực phi thường của hai mẹ con Thiện Nhân, mọi người đã đặt cho cậu bé cái tên “chú lính chì dũng cảm” và gọi chị Mai Anh là “người mẹ sinh con ra từ trái tim”. Câu chuyện về tình yêu thương và hành trình đẫm nước mắt của hai mẹ con được chuyển thể thành phim tài liệu mang tên “Lửa Thiện Nhân”, khiến hàng triệu khán giả Việt rơi nước mắt khi phát sóng vào tháng 10 vừa qua.
|