Mẹ Thởm và hồi ức khói lửa Truông Bồn

30/10/2018 - 09:42
Nằm trên tuyến đường huyết mạch 15A, Truông Bồn từng được biết đến là tọa độ lửa, “túi bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở đó không chỉ là khúc tráng ca 50 năm của lực lượng TNXP mà còn có những bà, những mẹ, những chị thầm lặng tham gia cứu thương, đào hầm hào công sự, san lấp hố bom… Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2018), PNVN mời bạn đến với câu chuyện xúc động của một người mẹ.
Những ngày se lạnh cuối tháng 10 này, bước chân tìm về nơi ấy, chúng tôi hồi hộp như lần đầu tiên đặt chân đến - nơi mỗi tấc đất, ngọn cỏ, nhành cây... đều mang một câu chuyện, hồn cốt riêng, đêm ngày rì rầm linh thiêng vọng về từ đất Mẹ. 
 
222222.JPG
Mẹ Thởm xúc động kể lại những ngày khói lửa ở Truông Bồn cách đây 50 năm
 
 
Ngôi nhà nhỏ của mẹ Thởm (tên thật là Nguyễn Thị Phác) nằm sát triền đồi thông thuộc xóm 9, xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Dù mẹ đã 97 tuổi và sức rất yếu nhưng khi nhắc đến chị Trần Thị Thông - tiểu đội trưởng, là người còn sống duy nhất của tiểu đội cảm tử, đại đội TNXP 317 trong trận bom mà Mỹ trút xuống Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968, bao hồi ức của những ngày khói lửa trong mẹ chợt bừng dậy.
 
Hồi ấy, sau khi phát hiện ra chị Thông nhờ nòng súng nhô lên khỏi mặt đất, đồng đội đưa chị về sân kho HTX Mỹ Thái (thuộc xóm 9 xã Mỹ Sơn ngày nay) trong cảnh áo quần bê bết bùn đất, hơi thở rất yếu. Người dân xóm 9 ra sức cứu chị bằng tất cả tình thương.
 
img_2031-copy.JPG
Chị Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 317 - người sống sót duy nhất của Tiểu đội này trong trận bom ngày 31/10/1968 về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân 1.240 Anh hùng liệt sĩ
Lúc bấy giờ, nhà mẹ Thởm ở gần nhà ăn của bộ đội, TNXP tham gia phục vụ tại tuyến lửa Truông Bồn. Những bà Hồng, ông Lữ… vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn một nách 7 đứa con thơ vẫn tình nguyện chăm sóc cho cô TNXP Trần Thị Thông.
 
"Mặt hắn (chị Thông) nhuốm đầy máu, cứ tưởng hắn sẽ chết. Cháo nuốt chẳng trôi, nước đùn vô không được. Hắn bị thương nặng lắm. Được ngày mô hay ngày nớ, cứ chăm cho hắn, may ra trời thương cho hắn khỏe, rứa mà hắn hồi phục đó”, mẹ Thởm nhớ lại.
 
Rồi những ngày tháng bom đạn dội về trong ký ức của mẹ Thởm. Mơ mơ màng màng, mẹ kể từng giây phút chăm sóc o Thông. Cuộc sống thời chiến khốn khó trăm bề, một nách mẹ Thởm mấy đứa con vất vả nay lại chăm thêm o Thông. Những tháng ngày cận kề cái chết, dưới bàn tay của người mẹ lam lũ, tảo tần, o Thông đã hồi sinh trở lại.
 
Mẹ Thởm nói đứt quãng: "Bữa đó hắn sốt mê sảng cứ gọi tên từng đồng đội khiến tui ứa nước mắt. Nhưng khi nớ hắn yếu lắm, sợ hắn ngất nên tui không dám nói thật. Cùng lắm, tui nói dối hắn là các anh chị ấy đang làm nhiệm vụ".
 
Và rồi, câu chuyện hai người phụ nữ - mẹ Thởm, chị Thông - vượt qua cửa tử trong mái nhà tranh, vách đất dưới chân Truông Bồn ngày ấy qua hồi ức của mẹ Thởm hiện lên như một thước phim chiếu chậm.
 
“Hắn (giặc Mỹ - PV) dí sung vô tui, tui không khai chi hết”, mẹ Thởm nhớ lại giây phút bị quân giặc hỏi có nuôi o Thông hay không? 2 hàng nước mắt mẹ trào ra, mẹ Thởm ôm lấy đầu và khóc. Trong hồi ức, mẹ cứ ngỡ như đang sống ở thời chiến, đối mặt với đạn bom. Rồi đâu đó lẫn trong câu chuyện của mẹ, mẹ bảo tôi đóng cửa lại, chốt chặt vào, “bom nổ đó, hắn hỏi chi thì đừng có khai ra”,  trong nỗi hoảng sợ của người mẹ trải qua những năm tháng ác liệt. 
 
jhgfdsa.JPG
Nơi đây, biết bao người con gái, con trai lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã ngã xuống
 
“Nếu không có bà Thởm tận tình chăm sóc thì o Thông khó có ngày hôm nay. Chính bà Thởm đã giành giật sự sống cho o Thông từ tay tử thần”, ông Nguyễn Tất Lữ - nguyên Trưởng xóm 9 xã Mỹ Sơn thời ấy, kể lại.
 
Nhắc đến mẹ Thởm, chị Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội cảm tử, Đại đội TNXP 317, rưng rưng: "Tôi rất biết ơn mẹ Thởm và người dân xóm 9 xã Mỹ Sơn. Trong thâm tâm của mình, mảnh đất xóm 9 như là nơi khai sinh lần thứ 2 của tôi".   
 
Đã hơn 40 năm đất trời quê hương liền một dải, sự thanh bình đã trải dài khắp bờ bãi xóm thôn nhưng dưới mỗi tấc đất, mạch sông của Mỹ Sơn này, trong mẹ Thởm vẫn còn đó vẹn nguyên nỗi âm ỉ đau thương và khốc liệt, là thăm thẳm đêm ngày sáng pháo dù của giặc Mỹ, là những buổi đào hầm, hào chạy quanh trong những rẻo chân đồi, chân núi; và quên sao được, những tinh mơ mờ sương giữa hai đợt thả bom chết chóc, mẹ Thởm cùng cán bộ và nhân dân xã Mỹ Sơn lại gióng kẻng ra đồng, tranh thủ làm mùa, đảm bảo quân lương chuyển vào cho miền Nam ruột thịt.
 
Là nỗi câm lặng quặn đau trong những căn hầm nhỏ, bởi dấu ấn ngày cuối cùng của tháng 10/1968 lịch sử, trên hoang tàn đổ nát, là vụn vỡ tiếng tiếng thét gào tuyệt vọng. Chỉ mỗi o Thông còn sống, những o Đang ở đâu, Vinh ơi, Hòa ơi, Hạp ơi... Đâu rồi nụ cười tươi, ánh mắt sáng, đôi bàn tay ấm áp? Và chùm bồ kết nồng hương đất Mẹ còn phơi trên chái bếp, mảnh gương soi còn sáng lấp lánh nét thanh xuân? Tất cả đã hòa vào đất Mẹ yêu thương!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm