Mẹ, ti vi và chiếc đài cũ

31/07/2015 - 09:26
Bao nhiêu lần tôi chỉ mẹ cách bật ti vi nhưng rồi mẹ lại quên, bởi tâm trí mẹ đầy chật nỗi âu lo. Còn chiếc đài cũ hoen rỉ ấy lúc nào mẹ cũng giữ bên mình nghe bởi “… bà cho mẹ khi đi lấy chồng”.

Mẹ được sinh ra trong những năm tháng chiến tranh, ông ngoại vào Nam chiến đấu, bà ở nhà dệt vải, cấy cày nuôi con. Tuổi thơ của mẹ lấm láp bùn đất, sáng đội mũ rơm, ôm cuốn vở bọc bìa xi măng đi học lớp bình dân học vụ, chiều cũng ôm cuốn vở ấy vừa chăn trâu, cắt cỏ vừa tranh thủ học bài.

Mẹ lớn lên từ tiếng đạn bom, từ giọt mồ hôi rơi nghiêng của bà. Mẹ với bố làm bạn từ thuở còn chăn trâu trên bờ đê sông Hóa, mẹ thường giấu cho bố bát cơm nguội hay miếng cơm cháy.

Mẹ lấy bố, đám cưới tuềnh toàng như để cho có lệ bởi ông nội phản đối kịch liệt. Mọi người kể lại rằng trong ngày ăn hỏi, khi nhà gái mang lễ vật đến, ông nội đã quát mắng và ném cả mâm lễ xuống đất. Hai người chắt bóp từng đồng mua được mảnh đất con con nằm sâu trong xóm. 

Bố mẹ tự đào đất ruộng để đóng gạch. Mẹ nhớ như in những đêm bão về, mẹ lao ra giữa trời mưa gió để chạy hàng nghìn viên gạch đất sét xếp ngổn ngang giữa sân chờ đến ngày lên lò nung. Vừa chạy, mà nước mắt hòa vào với nước mưa chảy ròng ròng trên má. Vay mượn tứ tung, suốt gần 2 năm xây được căn nhà nhỏ để trú mưa, trú nắng.

Mẹ tôi quê mùa là thế! Nhưng tôi yêu những nét quê mùa ấy!

Mẹ kể đến tận ngày gần sinh tôi, mẹ khệ nệ vác bụng bầu gò lưng gánh mạ ra ruộng cấy cho kịp thời vụ. Tôi sinh non yếu ớt, khó nuôi quấy khóc, bố ở nhà trông tôi, mẹ chạy chợ, bán mớ rau, nải chuối nuôi cả nhà. Cả ngày mẹ luôn chân luôn tay, hết việc đồng áng đến việc gia đình, rảnh rỗi mẹ lại tranh thủ đan làn để kiếm mấy đồng rau cháo qua ngày.

Nhà tôi không có ti vi. Cứ tối tối ăn cơm xong, tôi lại rủ chị gái đi xem nhờ ti vi nhà hàng xóm. Năm tôi học lớp 7, một người họ hàng đổi cho nhà tôi chiếc ti vi 14 inch cũ bằng một đôi gà trống thiến. Ngoài 40 tuổi, lần đầu tiên mẹ xem ti vi, mẹ không quen mắt cay xè, chảy nước mắt, tai ù ù.

Được chừng 2 tháng, chiếc ti vi giở chứng, đành phải bán đồng nát được mấy chục nghìn. Mẹ thương hai chị em hôm nào cũng phải chạy đi xem nhờ nên bán thóc mua một chiếc ti vi mới.

Thỉnh thoảng mẹ mới ngồi xem ti vi cùng 3 bố con, nhưng chỉ một lúc là mẹ lại đứng dậy, cặm cụi đan làn hay loanh quanh dọn dẹp mấy thứ lặt vặt.

Tôi lên Hà Nội trọ học, chị gái lấy chồng tận trong Nam. Có lần mẹ gọi điện hỏi tôi cách bật ti vi, bố đi ăn cỗ đám cưới, còn mình mẹ ở nhà, căn nhà buồn trống vắng. Bao nhiêu lần tôi chỉ mẹ tỉ mỉ nhưng rồi mẹ lại quên, bởi tâm trí mẹ đầy chật nỗi âu lo, chúng còn gặm nhấm cả giấc ngủ vênh vao của mẹ.

Nhà tôi có một chiếc đài cũ hoen rỉ, cứ tối chủ nhật là cả nhà lại quây quần ngồi nghe chương trình câu lạc bộ thơ. Mẹ vừa thoăn thoắt đan làn, mái đầu nghiêng nghiêng bên cây đèn dầu leo lét sáng, vừa lẩm nhẩm theo những câu Kiều văng vẳng từ chiếc đài cũ khua ánh trăng sóng sánh bên cửa sổ.

Bao nhiêu năm, chiếc đài cũ đã vỡ mấy góc nham nhở vẫn nằm trầm tư ở nóc tủ gỗ cạnh đầu giường được phủ một tấm khăn nhiễu điều. Tôi hỏi thì mẹ bảo: “Đây là chiếc đài bà cho mẹ khi đi lấy chồng, nó ở cùng gia đình mình từ hồi còn nhà gianh đến giờ có nhà ngói. Với lại nó vẫn còn chạy tốt mẹ không nỡ bỏ đi… Mà tối nào mẹ cũng bật đài để chờ nghe bài của mày viết đấy!”.

Mẹ tôi quê mùa là thế! Vẫn tóc búi cao sau đầu, vẫn những bộ quần áo cũ họ hàng đem cho, vẫn chiếc xe đạp cà tàng, chiếc điện thoại đen trắng chỉ có số điện thoại của chồng và con trai… Nhưng tôi yêu những nét quê mùa ấy!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm