Mẹ và con phờ phạc đi viện những ngày Hà Nội như ‘chảo lửa’

10/06/2019 - 23:40
Ngồi vạ vật chờ tới lượt khám của con, chị Hoài (quê Hòa Bình) không giấu nổi vẻ mệt mỏi, trong khi 2 đứa trẻ liên tục quấy khóc, chiếc khăn ướt chườm trên đầu chốc chốc lại phải thay.
Mấy ngày nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, Hà Nội như chìm trong “chảo lửa”. Do đó các bệnh mùa nắng nóng lại được dịp bùng phát khiến cho nhiều bệnh viện tuyến trên bị quá tải. Kèm theo đó, các gia đình có con ốm phải đi bệnh viện khám cũng chật vật, vất vả.
 
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mới sáng sớm đã có rất đông bệnh nhân chờ khám. Nhiều bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên, cả gia đình dắt díu nhau đưa con nhập viện.
 
Chị Trịnh Thị Hoài (Mai Châu, Hòa Bình) tay xách nách mang nào chiếu, chăn, gối, cặp lồng cơm, túi quần áo và nhiều vật dụng khác lên Hà Nội để cho 2 con nhỏ đi khám. Một bé lên 4, một bé lên 5 đều bị sốt cao, nổi phát ban khắp người. Đi "tháp tùng" 3 mẹ con là chồng chị và mẹ chồng. Cả nhà tổng cộng 5 người vào viện giữa tiết trời oi nồng.
 
 
k.jpg
Một trẻ đi khám sẽ có cả "phái đoàn" đi theo

 

Chị Hoài cho biết, cách đây 2 hôm, 2 đứa trẻ đi chơi về tự nhiên nóng sốt, môi khô hết. Đến nửa đêm thì sốt lên đến 40 độ, cho uống hạ sốt cũng chỉ hạ một chút. Một đứa bắt đầu co giật nên chị phải đưa ra trạm xá truyền nước. Sáng hôm sau, chị đưa cả 2 đứa lên bệnh viện đa khoa của tỉnh nhưng không phát hiện ra nguyên nhân gây sốt, nên chị phải cho 2 cháu về nhà vì ở bệnh viện đông quá. Nhưng đến tối hôm sau, 2 con không đỡ nên dù trời nóng 39-40 độ C, cả nhà vẫn phải bắt xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội cho các con nhập Bệnh viện Nhi TƯ.
 
31.jpg
Các hàng ghế chờ đều kín bệnh nhân và người nhà ngồi đợi
 
Ngồi vạ vật chờ tới lượt khám của con, chị Hoài không giấu nổi vẻ mệt mỏi, trong khi 2 đứa trẻ liên tục quấy khóc, chiếc khăn ướt chườm trên đầu chốc chốc lại phải thay.
 
Ở phòng khám Nhi tại Bệnh viện Bạch Mai, các ghế ngồi chờ cũng chật cứng. Nhiều bé nhịn ăn sáng để siêu âm nhưng do chờ lâu nên khá mệt mỏi.
 
Chị Nga - một người mẹ trẻ - bế con nhỏ trên tay sốt ruột ngó vào phòng khám chờ đến lượt. Chị cho biết, chị ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam, bé nhà chị hơn một tuổi bị tiêu chảy mấy ngày hôm nay, kèm sốt, nôn, nên chị phải cho con lên Hà Nội khám từ sớm. "Không biết con bị gì nữa, có phải do thời tiết quá nắng nóng không? Hy vọng khám xong được về điều trị ở nhà, chứ phải nhập viện thì mệt lắm, nghe nói mấy cháu phải nằm chung một giường”, chị Nga quệt mồ hôi chia sẻ.
 
 
11.jpg
Mẹ tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ đợi kết quả từ bác sĩ
 
 
Cùng nỗi lo với chị Nga, nhiều người mẹ đang phải đối mặt với những căn bệnh bùng phát trong những ngày nắng nóng bất ngờ đến với con mình. Say nắng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi… là những bệnh thường gặp ở trẻ do thời tiết nắng nóng.
 
Theo bác sỹ dinh dưỡng Phạm Ngọc Khái, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nhiệt độ tăng cao bất thường rất dễ làm trẻ em bị suy kiệt vì nóng, mất nước. Đặc biệt, tình trạng say nắng dễ dẫn tới những nguy hiểm cho trẻ nếu không có biện pháp xử trí kịp thời.
 
 
i.jpg
Mòn mỏi chờ đợi vì quá đông người đến khám

 

Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Khi thân nhiệt tăng cao do thời tiết nóng, dễ dẫn đến một loạt thay đổi trong cơ thể như thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên, mồ hôi toát ra...
 
 
img_20190610_152145.jpg

 

Đặc biệt, nếu trẻ tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn, mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt khiến thân nhiệt tăng lên nhanh chóng. Khi thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.
 
 
20190610_091751_1600x778.jpg
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân chờ gửi xe kéo dài hàng trăm mét và phải đợi khoảng 15 đến 20 phút mới đến lượt, khiến cho sự chờ đợi càng mệt mỏi hơn

 

Ngày nắng nóng, trẻ ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ cũng có thể dẫn tới mất nước, suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Cụ thể, trẻ bị mất nước thường có các biểu hiện như: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu. Trẻ có thể khóc không nước mắt, khó chịu, lờ đờ, mệt mỏi. Thậm chí, trường hợp nặng sẽ có các biểu hiện như: Mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê...
 
Nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu bị thiếu nước, cha mẹ cần đưa con vào nơi thoáng mát, cho uống nước. Nếu các dấu hiệu đó không đỡ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám.

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương - cho hay, hiện tại, bệnh viện vẫn duy trì thời gian khám từ 7h sáng cho mùa hè (7h30 vào mùa đông). Ngoài ra, bệnh viện đã bổ sung thêm mái che nắng, thêm nước và quạt cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.  

 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm