Sinh viên năm nhất (đặc biệt là các bạn ngoại tỉnh) thường nôn nóng muốn kiếm tiền giúp gia đình - Ảnh minh họa internet. |
Đánh vào tâm lý sinh viên năm nhất (đặc biệt là các bạn ngoại tỉnh) muốn kiếm tiền giúp gia đình các sớm càng tốt nhưng kinh nghiệm sống lại có hạn, còn non nớt khi bước chân vào môi trường đại học, rất nhiều hình thức lừa đảo đã được giăng sẵn:
Bán hàng đa cấp lừa đảo
- Thực trạng: Giá sản phẩm do công ty đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán. Các sinh viên trót sa chân vào doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ có việc đi thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình đã trót tham gia. Nhưng cuối cùng chẳng những không lấy lại được tiền mà còn mất cả lòng tin với mọi người, không tập trung vào việc học tập.
Các công ty này dán biển tuyển dụng ở khắp mọi nơi, nên đừng nghe theo mấy cái tờ rơi đó nhé. Tốt nhất là có người quen, nếu không xin làm phục vụ tại các quán café hoặc quán ăn tại đấy, hết 1 kỳ thôi là các bạn “cáo già” ngay đó.
- Sự thật về bán hàng đa cấp: Đây là ngành kinh doanh được đánh giá là ngành kinh doanh của tương lai, nhưng ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, sai phạm, và lừa đảo khiến nhiều sinh viên khốn đốn.
- Lời khuyên: Hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty bạn định làm và có quyết định của riêng mình, tránh để bị lôi kéo.
Mua tài liệu không rõ chất lượng được tiếp thị trong giờ ra chơi:
- Thực trạng: Trong giờ giải lao giữa các ca học, nhiều thời điểm sinh viên sẽ được tiếp thị nhiều mặt hàng khác nhau: Giáo trình, đĩa, vở… Chất lượng những mặt hàng này thường không thể nói trước. Được quảng cáo là rẻ hơn giá thị trường, nhưng sự thật không phải lúc nào cũng thế. Một quyển sách giáo trình mua photo bên ngoài giá chỉ từ 10 đến 20.000 đồng thì đưa đến bán từng lớp tăng tới 25.000, 30.000 đồng. Tất nhiên khi mua lúc đó thì sinh viên sẽ tiện hơn, không phải đi tìm tài liệu nữa.
Hoặc 1 đĩa giáo trình được quảng cáo là luyện phát âm, tuy nhiên trong đĩa chỉ cài link và lời quảng cáo, giới thiệu không đáng tin cậy. Thực tế, vẫn có rất nhiều sinh viên bán sách hay đĩa tốt nên nếu ai đó bạn có thể tin tưởng được thì hãy “móc hầu bao”.
- Lời khuyên: Trong kinh doanh cũng có kẻ xấu người tốt, quan trọng là các sinh viên phải thật tỉnh táo. Các ban hãy chú ý đến việc được bảo hành sản phẩm, được kiểm tra thử sản phẩm trước khi quyết định mua!
Làm thêm theo các tờ rơi, áp phích dán ở cổng trường, bến xe, hay thậm chí được phát ngay trong trường:
- Thực trạng thủ đoạn: Khi sinh viên gọi theo số điện thoại trên mấy tờ giấy dán đầy ngoài đường: "Chị ơi/anh ơi chỗ mình cần nhân viên phải không ạ?”. Sau đó bên kia sẽ rất hào hứng. Bạn hỏi là việc gì thì không nói cụ thể mà họ sẽ đòi gặp mình để cho biết kĩ hơn.
Khi đến gặp mặt, sinh viên thường sẽ phải đặt cọc 1 khoản tiền (thường là vài trăm nghìn) để “đảm bảo được nhận việc”, hay “làm thủ tục”. Sau đó, sinh viên thường sẽ không thể gặp lại họ được nữa, mất cả tiền và không tìm được việc nữa!
- Lời khuyên: Không nên làm thêm theo những chỉ dẫn không tin cậy, sẽ mất tiền để mua lấy sự bực mình.
Làm thêm ở những trung tâm gia sư lừa đảo:
- Thực trạng: Có rất nhiều bạn sinh viên bị những trung tâm gia sư lừa đảo với những bản hợp đồng gia sư có những điều khoản rất phi lý. Ví dụ nhưyêu cầu sinh viên nộp lệ phí bằng 1/2 tháng lương đầu trong khi… chưa nhận lớp. Để rồi sinh viên nhận với trung tâm 3 buổi/tuần nhưng gia đình chỉ muốn dạy 1 buổi/tuần... Đấy là chưa kể đến những chuyện các bạn nộp tiền rồi và trung tâm “bốc hơi” sau mấy ngày hẹn đến nhận lớp…
- Lời khuyên: Các bạn nhận dạng những trung tâm này không khó. Đa phần những trung tâm gia sư hiện nay đều không có giấy phép kinh doanh, tức là không có tư cách pháp nhân. Những trung tâm lừa đảo thường có trang thiết bị rất sơ sài vì chúng chuyển địa điểm liên tục.
Những trung tâm này thường yêu cầu trả lệ phí tư vấn, giới thiệu và yêu cầu đặt cọc khi chưa có gì đảm bảo với sinh viên… Hãy tìm những trung tâm gia sư uy tín, bạn chỉ nộp tiền đặt cọc khi ký hợp đồng có đầy đủ các điều khoản ràng buộc hai bên.