Thời gian đâu cho gia đình khi cứ quần quật trong nhà máy?
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 sáng 14/8, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa đang còn nhiều ý kiến khác nhau, từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.
“Quan điểm của chúng tôi là dù thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật từ cả NLĐ và người sử dụng lao động, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề NLĐ được nâng lên thì thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống NLĐ” – bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Nêu quan điểm của mình về nội dung này, ông Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết, tăng giờ làm không phải là vấn đề phổ biến, thường xuyên mà chỉ phục vụ đợt thi đua đột xuất do nhà nước, doanh nghiệp phát động để hoàn thành mục tiêu trong thời điểm ngắn, có ý nghĩa. Lúc đó, NLĐ dễ thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc tăng thêm giờ làm.
“Nếu luật hóa, tăng giờ làm thêm ngay từ đầu, tôi nghĩ là không được! Việc thỏa thuận với công nhân chỉ là hình thức khi người chủ yêu cầu. Làm không có mục đích, ý nghĩa thì chất lượng công việc sẽ kém. Tôi đồng ý tăng giờ làm nhưng phải có thời điểm mang tính đột xuất để phục vụ các đợt phát động thi đua, chắc chắn mọi NLĐ sẽ ủng hộ ngay” – ông đề xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, bản thân ông không ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm lên mức 400h mỗi năm, và nếu tăng thì phải có lựa chọn, có cơ chế kiểm soát và giám sát.
Theo ông, thực tế đúng là NLĐ và người sử dụng NLĐ đều có nhu cầu về việc tăng thêm giờ, nhưng chủ yếu mang tính mùa vụ, đột xuất, là cá biệt chứ không phổ biến. Vì thế cần quy định rõ ngành nào được làm thêm theo giờ, làm thêm bao nhiêu giờ trong khung theo tháng, theo năm, tránh việc NLĐ cố bán sức lao động của mình, trong khi người sử dụng lao động thì lợi dụng để kéo dài thời gian làm thêm.
“Tư tưởng của chúng ta là làm như thế nào để cải thiện, bảo vệ sức lao động cho NLĐ, bảo đảm sự phát triển bền vững cho không chỉ họ mà còn cho gia đình, xã hội. Còn cứ quần quật làm việc trong nhà máy thì thời gian đâu để họ chăm sóc gia đình, con cái, bản thân họ có được tái tạo sức lao động hay không?” – ông băn khoăn.
Không nhất trí tăng giờ làm thêm
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua khảo sát, phần lớn NLĐ không mong muốn tăng giờ làm thêm, mà muốn tập trung giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tăng năng suất lao động. Chỉ có một số ý kiến muốn tăng giờ làm để tăng thêm thu nhập.
“Tăng giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác như sức khỏe, khả năng của người lao động. Chúng tôi không nhất trí tăng thời gian làm thêm, trong trường hợp đặc biệt có thể mở rộng khung thời gian làm thêm giờ nhưng phải thỏa thuận trả lương lũy tiến” – ông Khang nói.
Đặc biệt, ông Khang đề nghị phải quy định giới hạn làm việc thêm giờ tối đa trong tháng để tránh tình trạng vắt sức của người lao động, không để người lao động bán sức lao động quá mức.
Đây cũng là điều mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, bà cho rằng thật đáng suy nghĩ và cân nhắc, khi mà xã hội đang phát triển, trong khi nhiều người ngồi đây tính việc tăng giờ làm thêm cho NLĐ, cả thế giới đều đấu tranh với việc tăng lương giảm giờ làm, nâng cao đời sống cho NLĐ. Bởi người sử dụng LĐ thì luôn muốn năng suất cao, tranh thủ nguồn LĐ nhưng trả lương chưa hợp lý.
Nữ Chủ tịch thừa nhận đã từng thống nhất việc tăng giờ làm thêm theo lĩnh vực, theo khung… nhưng khi rà lại lịch sử, dù thấy rằng nhu cầu có thật nhưng quan điểm nhất quán là không đồng ý tăng thời gian làm thêm trên cơ sở bảo vệ NLĐ. Việc này đi ngược lại xu hướng tiến bộ, do vậy bà không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm.
“Đa số doanh nghiệp trả lương cho NLĐ theo đơn giá sản phẩm, nên NLĐ làm thêm giờ, có thêm thu nhập, nhưng thu nhập này là giá trị do làm thêm giờ chứ không phải giá trị làm thêm như chúng ta mong muốn và thảo luận. Nghĩa là không tăng thêm thu nhập thật” – bà phân tích.
Đồng tình với điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trong phần kết luận cuộc thảo luận về các nội dung dự thảo BLLĐ (sửa đổi), khẳng định, việc làm thêm giờ là vấn đề cần được nghiên cứu đánh giá kỹ, bảo đảm hài hòa, phù hợp nhu cầu của người sử dụng LĐ và bảo vệ NLĐ. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến quyền con người, chăm sóc sức khỏe hiện tại và cả tương lai đối với NLĐ, nhất là trong xu hướng công nghệ phát triển, tay nghề lao động tăng lên, năng suất lao động cũng tăng lên theo yêu cầu giảm giờ làm, bảo đảm sức khỏe của NLĐ, hài hòa lợi ích các bên.
“Nhiều nước tiên tiến cũng áp dụng làm thêm giờ nhưng là làm thêm giờ đến mức không lấy chồng, không lấy vợ, không có gia đình, già hóa dân số, tất cả sử dụng người máy cả. Xã hội chênh lệch, mất cân bằng. Chúng ta vì mục tiêu con người, vì thế cần tiếp thu ý kiến, quan điểm của các thành viên để tiếp tục nghiên cứu” – bà nói.