"Mổ xẻ" nguyên nhân tín dụng đầu năm trầm lắng

H.Y
20/02/2024 - 18:17
"Mổ xẻ" nguyên nhân tín dụng đầu năm trầm lắng

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 tăng khoảng 15% nhưng sắp hết quý 1, tín dụng nhiều ngân hàng đang âm so với cuối năm 2023.

Ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

"Mổ xẻ" nguyên nhân tín dụng đầu năm trầm lắng- Ảnh 1.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ thông tin về tín dụng đầu năm 2024

Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Agribank, cho hay ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó.

Ông Trần Long, phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, cũng chia sẻ, đến nay tín dụng giảm khoảng 25.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế khó khăn. Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu… đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn.

Ông Long mong Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tiếp tục giữ nguyên lãi suất, tạo điều kiện tiếp cận vốn

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong tiếp cận tín dụng.

Cùng với việc rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng, NHNN đã thực hiện điều hành cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Mổ xẻ" nguyên nhân tín dụng đầu năm trầm lắng- Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đang sụt giảm hàng chục ngàn tỉ đồng so với cuối năm 2023 - Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

NHNN tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, quyết liệt triển khai các giải pháp TTTD đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Song song với đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm