Vắt chân chạy 1 ngày 3 ca học
Hôm qua (15/8) mới là buổi học đầu tiên của năm học mới nhưng Nhật Minh (trường THCS Phương Mai, Hà Nội) đã cảm thấy quá mệt vì có tới 3 ca học/ngày. Theo ngôn ngữ miêu tả của cậu thì đó là một ngày “không có cả thời gian để thở.
“Sáng con học 5 tiết, đến 11g45 mới tan. 12g mới về đến nhà, con ăn vội bát cơm, nghỉ ngơi 1 lát để đi học thêm ca chiều bắt đầu từ 14g đến 17g. Chiều về, chỉ kịp uống hộp sữa là con vội vàng đi xe buýt để đến lớp học Văn từ 18g 30 đến 20g30. Bữa cơm tối của con vào lúc 21g30. Quá mệt sau 1 ngày 3 ca học nên dù đói đến lả người nhưng con không nuốt nổi cơm. Tình trạng này mà kéo dài suốt cả năm học thực sự sẽ khiến con kiệt sức”, Nhật Minh chia sẻ.
Nam sinh lớp 9 này cho biết, năm nay, em gần như không có thời gian nghỉ hè mà phải “cày” các lớp học thêm đến bạc cả mặt. Giờ vào năm học, buổi sáng nào cũng học 5 tiết trên lớp, cộng thêm 8 buổi học thêm/tuần (2 buổi Văn, 2 buổi Toán, 2 buổi tiếng Anh, 2 buổi Lý) khiến cậu cảm thấy rất oải. “Học thêm nhiều như vậy nhưng chúng em rất hoang mang khi chưa biết phương án thi năm nay. Chúng con mong muốn được công bố phương án thi chính thức để có kế hoạch ôn luyện tốt hơn.
"Nếu được chọn, con mong muốn được thi theo phương án 2, thi Ngữ Văn và Toán, song chỉ lấy điểm 2 môn này và bỏ hết cộng điểm khuyến khích, bỏ điểm cộng từ cuộc thi nghề, bỏ điểm xét tuyển. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo nói thì phương án này khiến học sinh học lệch, khó khả thi. Trong 2 phương án kia, con thích thi Ngữ Văn, Toán và thêm bài thi Tổ hợp. Dù tính ra 6 môn nhưng 4 môn trong 1 bài thi trắc nghiệm sẽ nhẹ hơn cả 4 bài thi tự luận”, Nhật Minh cho biết.
Hoang mang vì vẫn chưa biết phương án thi
Học kín lịch là tình trạng chung của nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội, nhất là trong năm nay, khi Hà Nội chưa chốt phương án thi vào 10, khi phương án thi sẽ có sự thay đổi, khi số môn thi từ 2 có thể tăng lên 4 (Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ và 1 bài thi thứ tư, thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); hoặc tăng lên 6 (Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân, hoặc Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học.
Có con học lớp 9 trường THCS Tây Sơn, chị Nguyễn Phương Loan (Hồng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện con chị cũng phải học thêm nhiều đến phờ phạc hết cả người. “Ngoài những buổi học chính ở trường, con tôi có thêm 10 buổi học thêm/tuần, vừa học phụ đạo của giáo viên, học ở trung tâm và học gia sư. Với phương án thi thay đổi đến chóng mặt như hiện nay, tôi khuyến khích con học đều các môn, không được bỏ bê môn nào. Bởi, giờ chỉ cần sao nhãng môn nào đó, đến khi có thông báo chính thức về môn thi, con sẽ “chạy” không kịp. Thế nhưng, học đều các môn thì quá vất vả cho con. Thi ĐH, có những môn học sinh chỉ cần qua điểm liệt và tính điểm 3 môn chính, thế nhưng thi vào lớp 10, các em không thể coi nhẹ môn thi nào vì phải ganh đua với nhau từng 0,5 điểm”, chị Loan lo lắng.
Việc chưa chốt phương án thi vào 10 không chỉ khiến học sinh, phụ huynh hoang mang lo lắng mà khiến còn khiến các thầy cô giáo “chao đảo”.
Một giáo viên trường THPT Đông Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ với vẻ đầy quan ngại: "Nếu thi độc lập 4 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 thì học sinh sẽ học căng hơn là thi 6 môn (Toán, Ngữ Văn và bài thi tổ hợp 4 môn). Khổ thân những học trò, mới tựu trường mà đã hoảng lên. Nếu thi theo kiểu tổ hợp rồi máy tính chấm, liệu có chạy điểm không như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không? Trong bài thi tổ hợp, nếu cho số lượng câu hỏi quá nhiều trong thời gian 60 phút, câu hỏi lại đánh đố học sinh thì sẽ khiến học sinh vô cùng hoảng. Chỉ mong Sở GD-ĐT Hà Nội sớm công bố phương án thi, công bố cấu trúc đề thi để học sinh, giáo viên không bị động trong việc ôn luyện”.