pnvnonline@phunuvietnam.vn
Môi khô nứt nẻ ngay cả trong mùa hè, đừng chủ quan!
Vùng da ở môi cực kì nhạy cảm và dễ chảy máu nếu như không được chăm sóc cẩn thận hoặc có những thói quen gây hại như liếm môi, không giữ ẩm đúng cách hoặc cũng có thể là do bệnh lý.
Dưới đây là những lý do phổ biến khiến môi khô nứt nẻ ngay cả trong mùa hè mà bạn cần chú ý:
1. Không chống nắng hay giữ ẩm cho môi
Hiện nay có rất nhiều loại son có chỉ số SPF chống nắng cho môi (>30) khá hiệu quả, tuy nhiên một số chị em lại không chú ý tới bước này nên vô tình khiến môi bị tổn thương dưới tác hại của tia cực tím làm môi khô nứt nẻ nhiều hơn.
Bên cạnh đó việc tẩy da chết hay dưỡng ẩm cho môi cũng đóng vai trò quan trọng để có một làn môi mọng và căng bóng. Nếu không tẩy da chết hay dưỡng ẩm khiến môi cũng rơi vào tình trạng khô ráp, rất mất thẩm mỹ.
Bạn có thể tẩy da chết hay dưỡng ẩm bằng các sản phẩm chăm sóc môi chuyên dụng hoặc từ các hỗn hợp tự nhiên như sáp ong, bơ,... định kỳ, nhất là vào buổi tối.
Lưu ý: Không lựa chọn các son dưỡng có chứa thành phần các hương liệu tổng hợp vì nó có thể gây kích ứng, tình trạng khô nứt môi có thể trầm trọng hơn như ngứa, rát hay sưng môi.
2. Thói quen liếm môi thường xuyên khiến môi khô nứt nẻ
Nếu bạn là người có thói quen liếm môi liên tục thì xin chia buồn với đôi môi của bạn. Việc liếm môi không những không giúp môi tăng độ ẩm mà còn làm cho môi bị co khô lại, bong tróc do trong nước bọt có chứa enzyme, các amylase hay muối vô cơ không tốt cho môi.
3. Uống ít nước
Uống ít nước cũng là một lý do khiến đôi môi khô nứt nẻ vào mùa hè. Thường thì bạn nên uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày hoặc tuỳ thể trạng người vận động thể thao hay ngoài trời,.... Nếu để ý bạn sẽ thấy khi uống ít nước môi thường xuất hiện các rãnh (vân) môi rõ ràng hơn bên cạnh việc khô ráp hay nứt nẻ.
Do vậy nếu thấy tình trạng này bạn nên ngay lập tức bổ sung nước cho cơ thể bên cạnh việc thoa son chống nắng và dưỡng ẩm nếu phải hoạt động ngoài trời trong thời gian dài.
4. Do dùng kem đánh răng chứa sodium lauryl sulfate
Có thể bạn không biết lựa chọn kem đánh răng có chúa sodium lauryl sulfate cũng có thể khiến môi bị khô nứt nẻ. Thành phần này có thể gây kích ứng cho vùng da tiếp xúc với kem đánh răng.
5. Do dư thừa vitamin A trong cơ thể
Việc bổ sung vitamin A cho cơ thể quá mức cần thiết có thể gây ra tình trạng khô môi. Thường thì chuyên gia khuyến cáo chúng ta chỉ nên tiêu thụ 25.000 IU vitamin A mỗi ngày bao gồm cả thực phẩm, đồ uống hay thực phẩm chức năng.
6. Nguyên nhân do bệnh lý
Những người đang gặp vấn đề về tuyến giáp, vẩy nến cũng sẽ gây biểu hiện môi khô nứt nẻ, dễ bong tróc hơn người khác.
Bên cạnh đó bệnh viêm góc môi cạnh, đái tháo đường hay Perleche cũng có thể gây ra khô ráp cho môi.
Do vậy nếu như tình trạng môi vẫn tiếp tục khô ráp và không có dấu hiệu giảm bớt bạn nên tìm tới sự tư vấn của bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
7. Đang sử dụng thuốc
Một số loại thuốc uống kê đơn chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine hay thuốc chống lo âu, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ có thể gây ra tác dụng phụ là khô môi.
Do vậy khi được bác sĩ kê đơn thuốc bạn nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có để có thể bảo vệ và chăm sóc môi được kỹ càng hơn, đối phó với tác dụng phụ gây ra.