Mối lo bị theo dõi mọi lúc, mọi nơi

19/09/2015 - 09:40
Xu hướng tích hợp nhiều tính năng trong 1 sản phẩm đang chứng tỏ sự đúng đắn của các nhà sáng chế, khi bất ngờ thu hút được lượng khách hàng đông đảo.
TỪ SẢN PHẨM “LAI” ĐẾN TÍCH HỢP ĐA NĂNG
Xu hướng tích hợp bắt nguồn từ những sản phẩm công nghệ “lai” (kết hợp 2 trong 1) nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm hiệu quả chi phí mua thiết bị công nghệ trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Ban đầu, đó là những chiếc tablet lai, không chỉ giúp giảm thiểu sự cồng kềnh, phiền phức khi phải mang theo quá nhiều máy móc mà còn tiết giảm được 40-70% chi phí mua sắm.
Mặc dù tablet lai nhận được thái độ khá “lạnh nhạt” của người dùng, song các nhà nghiên cứu thị trường của các hãng công nghệ lớn đã nhanh chóng “bắt mạch” được một xu hướng tiêu dùng mới. Đó là cơ sở để họ tiếp tục tung ra những sản phẩm tích hợp với nhiều tính năng được đảm nhiệm chỉ với 1 thiết bị gọn nhẹ.
Mới đây, hãng Lenovo đã công bố chiếc máy tính bảng YOGA Tablet 2 Pro có độ dày 3,7mm và trọng lượng 970g, màn hình độ phân giải QHD, vi xử lý lõi tứ, RAM 2GB và bộ nhớ trong 32GB. Máy có giá 500 USD (khoảng 10,6 triệu đồng). Điểm nổi bật nhất của YOGA Tablet 2 Pro chính là việc tích hợp máy chiếu Pico (cho độ phân giải khi trình chiếu là 854x480 pixel) vào phần chân đế phía sau. Với bộ phận này, chiếc máy sẽ trở thành trợ thủ đắc lực trong các buổi họp hoặc những hoạt động giảng dạy, thuyết trình.

 Những sản phẩm tích hợp đã không còn bị "lạnh nhạt" như trước

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đua sản phẩm tích hợp mà các hãng công nghệ đang tiến hành ráo riết. Trước đó, Google đã tích hợp thêm nhiều tính năng mới trên hệ điều hành Android Wear dành cho các mẫu đồng hồ thông minh. Theo đó, các thiết bị này sẽ trở lên hữu ích với khả năng cung cấp GPS và nghe nhạc độc lập. Một đối thủ đáng gờm - sản phẩm SmartWatch 3 của Sony - cũng được trang bị tính năng này.
Một xu hướng khác đang từng bước chinh phục người dùng, đó là kết hợp các sản phẩm công nghệ với thiết bị y tế có khả năng theo dõi sức khỏe. Sau Samsung, Apple hay LG... Microsoft là cái tên mới nhất đặt chân vào thị trường thiết bị đeo tay thông minh với mẫu sản phẩm vòng đeo tay thông minh có tên Microsoft Band.
Microsoft Band có thiết kế khá giống với vòng đeo tay thông minh Galaxy Fit của Samsung, với 1 màn hình cảm ứng nằm ngang sử dụng công nghệ TFT LCD có độ phân giải 320x106.  Mục đích chính của sản phẩm là theo dõi sức khỏe của người đeo, do vậy Band được trang bị khá nhiều cảm biến, bao gồm cảm biến đo nhịp tim, cảm biến ánh sáng môi trường xung quanh, cảm biến nhiệt độ của da, cảm biến đo tia cực tím, cảm biến kích ứng da, cảm biến điện dung... Thiết bị này sẽ theo dõi nhịp tim của người dùng 24/7, bất kỳ lúc nào họ mang thiết bị và đánh giá chất lượng giấc ngủ của người đeo.

 Đồng hồ smartwatch của Sony còn cung cấp GPS và chế độ nghe nhạc tự động 

LO CHO VIỄN CẢNH: “đi đâu, làm gì cũng bị theo dõi”
Vấn đề lớn nhất của các thiết bị đeo tay hiện nay chính là tuổi thọ pin, bởi trên thực tế, những thiết bị này sẽ trở lên vô dụng nếu không được kết nối với điện thoại thông minh. Google đã giải quyết vấn đề đó trong phiên bản cập nhật mới nhất của hệ điều hành Android Wear, bằng cách thêm vào tính năng nghe nhạc offline và hỗ trợ GPS. Điều này có nghĩa, những thiết bị đeo tay chạy trên hệ điều hành Android Wear sẽ được hỗ trợ chế độ GPS dù không kết nối trực tiếp với điện thoại. Nhờ đó, người dùng có thể để điện thoại ở nhà, mà vẫn nghe được nhạc - thông qua tai nghe Bluetooth, và theo dõi các tuyến đường, khoảng cách, tốc độ di chuyển bằng tính năng GPS trên hệ điều hành Android Wear.
Công ty này cũng hứa hẹn 2 ứng dụng mới của hệ điều hành Android Wear có thể chạy trên nhiều sản phẩm đồng hồ thông minh bao gồm: LG G Watch, Samsung Gear Live và Moto 360.
Một “ông lớn” khác là Intel cũng không chịu đứng ngoài cuộc. Mới đây, Tổng giám đốc Brian Krzanich của hãng này khẳng định rằng, vào một ngày không xa nữa, một thiết bị thông minh mà lâu nay ta gọi là “thiết bị có thể mang được” sẽ không còn trông giống như một thiết bị nữa. Nó sẽ được tích hợp trong bất cứ vật gì mà người ta có thể mang trên người.
Với những con chip ngày càng nhỏ nhưng chứa nguyên cả hệ thống (SoC, system-on-chip) mà Intel phát triển, bất cứ thứ gì trong cuộc sống con người cũng có thể trở thành những công cụ thông minh. Ngay cả những món đồ nội y cũng sẽ chứa những con chip “inside”. Đây là một bước tiến vượt bậc của Intel sau khi bỏ ra khoảng 100 triệu USD để mua lại Basis - một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm có thể mang đi được.
Trong cuộc chinh phục thị trường với dòng sản phẩm mới và đầy hấp dẫn này, ngoài Intel, Microsoft còn có Samsung và LG cùng một số tên tuổi mới xuất hiện rên thị trường như Pebble, Meta…
Tuy nhiên, bên cạnh sự bùng nổ của các sản phẩm công nghệ tích hợp, với kích thước nhỏ gọn nhưng có thể đảm trách cùng lúc nhiều tác vụ, người ta bắt đầu lo ngại về viễn cảnh “đi đâu, làm gì cũng bị theo dõi”. Mọi sự vật đều tồn tại 2 mặt và sự phát triển mang tính đột phá của các sản phẩm công nghệ cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm