Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 8/11, Quốc hội họp phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng. Trong đó, một số đại biểu phản ánh ý kiến cử tri về tình trạng sim rác, tin nhắn và cuộc gọi rác diễn ra tràn lan hiện nay làm ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng.
Giải đáp đại biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TTTT, cho biết: “Cuộc gọi rác” là hiện tượng mới xuất hiện khoảng 1, 2 năm gần đây. Mỗi năm, các nhà mạng ghi nhận có khoảng 10 ngàn số thuê bao thực hiện các cuộc gọi rác. Cuộc gọi rác thường thực hiện bằng hệ thống tự động để quảng cáo, mời chào và khi gọi lại vào số thuê bao này thường không liên lạc được.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TTTT đã có buổi làm việc với các nhà mạng và tiến hành thí điểm công cụ kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác trong năm nay giống như chặn tin nhắn rác, trước khi có thể áp dụng đại trà vào năm 2020.
“Gốc rễ vấn đề vẫn phải xử lý SIM rác, bởi vì trên 80% các cuộc gọi rác đều xuất phát từ SIM rác”, Bộ trưởng TTTT khẳng định.
Với vấn đề tin nhắc rác, tin nhắn quảng cáo, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nguyên nhân tình trạng này kéo dài là do SIM rác vẫn tồn tại. Những năm trước, Bộ TTTT đã xử lý hàng trăm ngàn đại lý bán SIM vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp xử lý này chưa giải quyết được triệt để. Thay vào đó, Bộ này đổi sang tập trung quản lý các nhà mạng – những người đứng đầu các công ty viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm với tình trạng SIM rác.
Mặc dù vậy, theo trưởng ngành TTTT, quy định pháp luật hiện nay chỉ xử phạt đến vài chục triệu đồng với các đơn vị vi phạm, hạn chế tính răn đe. Vì vậy, “Bộ TTTT ra quy định, nếu còn SIM rác sẽ không cấp phép các dịch vụ mới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Qua đó, các nhà mạng đã tích cực xử lý SIM rác hơn. Từ đầu năm đến nay, SIM kích hoạt trước đã giảm mạnh từ 24 triệu SIM xuống còn 6 triệu SIM. Ngoài ra, các nhà mạng cũng dùng công nghệ để chặn lọc theo từ khoá nên mỗi tháng đã chặn được 10-15 triệu tin nhắn rác, số lượng tin nhắn quảng cáo đã giảm.