Mỗi năm thế giới có 300 nghìn phụ nữ tử vong khi mang thai, sinh nở

24/04/2018 - 11:58
Đó là con số đáng lo ngại được đưa ra tại buổi công bố "Báo cáo Hộ sinh Việt Nam lần thứ nhất" và Báo cáo "Rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của các cộng đồng dân tộc thiểu số" tại Hà Nội ngày 24/4.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), các báo cáo do Bộ Y tế công bố cho thấy việc tiếp cận chăm sóc y tế có chất lượng là quyền cơ bản của mỗi người. Đầu tư hơn nữa cho công tác hộ sinh là vấn đề quan trọng giúp hiện thực hóa quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản ở mọi miền khác nhau. 
co-do-lung-thi-tham.jpg
Cô đỡ thôn bản Lùng Thị Thắm (áo đen) truyền thông trực tiếp tại bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ và tử vong trẻ em giữa các miền, nhóm dân tộc. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 04 lần) thấp hơn 58% so với tỷ lệ chung toàn quốc (16% so với 74%). Tỷ lệ tử vong mẹ thường cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa và các khu vực nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các ca sinh được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 49% so với số liệu ước tính trên toàn quốc là 94%.

 

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân tộc thiểu số là 57%, tương đương với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các tỉnh và giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số - với tỷ lệ là 75% ở tỉnh Kon Tum so với 45% ở tỉnh Gia Lai, 41-42% đối với đồng bào dân tộc Ba Na và Gia Rai so với hơn 70% đối với đồng bào dân tộc Tày và Xơ đăng. 
co-do-thon-ban-1.jpg
Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ sau sinh tại nhà

Các số liệu cho thấy hiện Việt Nam đang đối mặt với thiếu hụt trầm trọng người đỡ đẻ có kỹ năng tại các vùng sâu vùng xa. Các số liệu cho thấy sự khác biệt về năng lực của nhân viên y tế công tác tại vùng đồng bằng so với khu vực trung du và miền núi. 94% số hộ sinh mới chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp và chỉ có 0,8% số nhân lực hộ sinh có trình độ cử nhân. 

nguyen-duc-vinh.jpg
Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế)

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) - nhấn mạnh rằng, vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh rất quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Khi hộ sinh được đào tạo bài bản, được trao quyền và được hỗ trợ, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống tính mạng các bà mẹ, trẻ sơ sinh liên quan đến thai sản, góp phần cải thiện kinh tế, xã hội của cả quốc gia. Sự hiện diện của hộ sinh bên cạnh phụ nữ có thai là một chiến lược chi phí hiện quả về y tế.

 

Còn bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - cho rằng, ngăn ngừa tai biến sản khoa và tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh và trao quyền cho phụ nữ… chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030. Để có thể thực hiện điều này, cần mở rộng các chương trình hộ sinh, duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trên toàn cầu, đồng thời tạo ra một môi trường thuận lợi để hộ sinh có thể đáp ứng các nhu cầu của sản phụ và gia đình của họ một cách hiệu quả. 
astrid-bant.jpg
Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

Theo bà Astrid Bant, hàng năm trên thế giới vẫn còn hơn 300.000 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh nở, khoảng 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đầu tiên sau khi chào đời và khoảng 2,5 triệu ca tử vong chu sinh (hiện tượng tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời) do chưa tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trên phạm vi toàn cầu. Nếu xây dựng được các hệ thống y tế vững mạnh với các dịch vụ hộ sinh được hộ sinh đã qua đào tạo với năng lực chuyên môn cao cung cấp, hầu hết các ca tử vong này sẽ có thể tránh được.

 

Cả 2 báo cáo đều đưa ra các khuyến nghị nhằm thu hẹp khoảng trống còn tồn tại, cũng như đảm bảo độ bao phủ phổ cập và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Để có thể thực hiện được các khuyến nghị, còn phải trải qua một chặng đường khá dài để có thể giảm thiểu tối đa các trường hơn tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến thai sản, để không người phụ nữ nào phải chết khi tạo ra sự sống trên thế giới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm