pnvnonline@phunuvietnam.vn
Môi phù nề, mũi có mủ sau khi tiêm filler làm đẹp
Nữ bệnh nhân bị tai biến do tiêm chất làm đầy
Theo đó, bệnh nhân là chị N.T.K.L. (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đến khám tại bệnh viện trong tình trạng vùng mũi, miệng bầm tím, vùng nhân trung và môi phù nề, trên mũi xuất hiện các nốt có mủ, đóng mài vàng, bệnh nhân không sốt, than đau, ăn uống kém.
Trước nhập viện 3 ngày, do mũi thấp nên chị L. được người quen giới thiệu đến một cơ sở spa trên địa bàn để tiêm filler nâng mũi. Tại đây chị L. được tư vấn tiêm 2cc filler với giá 2,4 triệu đồng.
Theo lời chị L, sau khi thỏa thuận xong chi phí, nhân viên spa đã sử dụng một ống tiêm gắn kim dài và tiêm vào vùng mũi của chị. Trong quá trình tiêm, chị thấy tê vùng miệng nên báo cho người thực hiện nhưng người này nói bình thường và tiếp tục tiêm.
Chỉ khoảng mấy giờ sau tiêm, vùng miệng chị L. bị sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê… Chị liên hệ lại spa nhưng chủ spa báo đây là biểu hiện bình thường sẽ hết sau vài ngày. Tuy nhiên, vài ngày sau khi da bắt đầu đỏ nhiều, nổi mủ trắng, chị L liên hệ lại spa và được giải thích da đang đào thải độc tố. Do quá lo lắng, chị L. đến trực tiếp spa và được tiêm thuốc giải nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, da đỏ và mụn mủ nổi nhiều hơn.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị L. đang có biểu hiện của tình trạng hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân có thể do tắc mạch khi tiêm một lượng filler khá lớn vào vùng mũi cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu hoặc tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến việc chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô trùng, cũng như chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo cũng sẽ góp phần làm nặng thêm biến chứng.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hàng ngày. Sau 1 tuần, tình trạng hoại tử da cải thiện đáng kể. Tuy nhiên khi da lành để lại vết sẹo trên mũi, đỏ và hơi lõm.
TS.BS. Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da.
"Để tiêm chất làm đầy vùng mũi an toàn hơn, tốt nhất nên sử dụng cannula hơn kim, nhất là đối với những bác sĩ mới thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy, chưa có nhiều kinh nghiệm. Với bệnh nhân này, trong quá trình tiêm, bệnh nhân đã báo bị tê vùng miệng nhưng người thực hiện không nhận ra đây là dấu hiệu chèn ép mạch máu mà tiếp tục tiêm nên dẫn đến tình trạng tai biến càng trầm trọng hơn, gây hoại tử da, có thể sẽ để lại sẹo xấu sau đó, gây khó khăn cho việc phục hồi về sau" TS. BS Trần Nguyên Ánh Tú nói.
Trước đó, Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Da Liễu TPHCM cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ ở TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng vùng thái dương sưng to, bầm tím, chảy dịch do tiêm filler. Sau tiêm, vùng thái dương sưng to, xuất hiện lỗ dò, chảy dịch.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng, áp xe. Nguyên nhân có thể do filler là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Bệnh nhân sau đó được các bác sĩ mổ, rạch tháo mủ. Các bác sĩ đã lấy ra rất nhiều filler và mủ, sau đó bơm rửa với chất vô khuẩn nhiều lần sau đó mới khâu vết thương lại. Di chứng để lại cho bệnh nhân có thể là một vết sẹo trên vùng thái dương. Tuy nhiên bác sĩ cố gắng để vết rạch trùng với nếp gấp tự nhiên để nếu có sẹo thì sẽ giấu được sẹo, đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.