Tranh thủ rời khỏi cơ quan sớm hơn mọi ngày, anh bạn tôi phóng xe ra chợ, tìm mua bó hoa lys đẹp nhất. Cánh hóa màu trắng nõn, hương thanh thoát dịu dàng, khi nhận, chắc chắn nàng sẽ hài lòng, thậm chí, sẽ ôm chầm lấy chàng mà hôn cái chụt! Sở dĩ anh nghĩ thế, bởi ngày mới quen nhau, anh đã “cưa đổ” được trái tim “sắt đá” của nàng bằng cách tặng những cành hoa tươi thắm “thay lời muốn nói”.
Hành động này lặp lại hẳn vẫn có hiệu quả? Nào ngờ, mọi cảm hứng của anh tan nhanh như bọt xà phòng khi nàng nhận hoa và buột miệng vu vơ: “Bạn em vừa được chồng tặng cái váy đẹp ơi là đẹp”. Phụ nữ vốn thông minh mà đàn ông cũng thông minh không kém, thế là, chưa bao giờ anh bạn tôi cảm thấy món quà của mình trở nên vô duyên đến thế.
Những dịp sinh nhật, lễ, Tết, kỷ niệm ngày cưới, ngày quen nhau… việc tặng quà dễ hơn nhiều, còn ngày trọng đại “tầm cỡ thế giới” như 8/3, quà phải khác chứ? Trước kia, có đôi lần cả 2 đi vào siêu thị, nàng nằn nì: “Mua tặng em cái này đi. Bạn em vừa mới được chồng tặng đó anh. Em thích quá”. Liếc nhìn giá tiền, nhẩm tính đi đứt cả tháng lương, chàng bèn tìm cớ đánh trống lảng: “Tưởng gì, em muốn thế và hơn cả thế cũng chuyện nhỏ. Tuy nhiên, nhưng mà, bởi vì, thì là… chờ đến ngày 8/3, anh tặng cho thêm phần ý nghĩa”.
Quà tặng không bằng cách tặng quà (Ảnh minh họa)
Lời hứa hẹn nhằm “cho qua chuyện” ấy, đàn ông thường chóng quên. Quên ngay khi lời nói vừa buông ra. Thế nhưng, phụ nữ lại khác. Họ vẫn nhớ như in. Nhớ và tính từng ngày. Nếu sau đó, sự việc không diễn ra như lời hứa, ắt sinh chuyện ngay. Do đó, cách tốt nhất đừng nên hứa hẹn về món quà sẽ tặng mà hãy nói thật về khả năng tài chính của mình trong tình huống đó.
Có ông chồng đang bận tối tăm mặt mũi ở cơ quan, bỗng điện thoại réo vang. Vợ gọi: “Anh ơi! Quà em đâu?”. Giật mình, hỏi lại: “Quà gì em?”. “Hay thật đấy. Anh không nhớ hôm nay là ngày gì à?”.
Quả thật anh không nhớ, đang ngất ngứ suy nghĩ, bỗng nghe giòn giã như súng liên thanh: “Thiên hạ đang nườm nợp đưa vợ đi mua quà, còn anh cứ thản nhiên như không. Anh hết yêu em rồi à? Em biết, em già, em xấu, em không mơn mởn như “mèo” như “mỡ” đang ngự trị trong tâm trí anh chứ gì?”. Bực quá, chồng bèn gặng hỏi: “Mèo mỡ gì ở đây? “Chụp mũ” vừa vừa phải phải thôi chứ?”. Thế là cãi nhau.
Thiết nghĩ, một khi đã yêu nhau, đã sống vì nhau thì dù đang trên thế “thượng phong”, đang là nhân vật chính của ngày trọng đại đó, người phụ nữ cũng nên thấu hiểu nỗi lòng của chồng/người yêu.
Anh bạn tôi là nghệ sĩ nổi tiếng, ngày mới tán tỉnh, tiền bạc hẻo quá nên việc mua quà tặng người yêu đối với anh phải tính toán, cân nhắc. Năm ấy, trên đường lưu diễn ở An Giang, sực nhớ đến ngày quan trọng nhất của nữ giới, anh bèn mua ngay dăm ký mắm ba khía gửi xe đò về Sài Gòn. Rồi nhờ bạn bè đến nhận và trao ngay cho nàng. So với gia cảnh, thu nhập của nàng thì quà tặng ấy rẻ tiền nhưng cách thể hiện về cái tình lại nặng. Rõ ràng, lời dặn dò về sự tinh tế “của cho không bằng cách cho” bao giờ cũng đúng.
Có ông chồng mải mê ngồi nhậu với bạn bè hoặc mê công việc nên thay vì đưa nàng đi mua quà bèn nói một câu rất “kẻ cả”: “Tẹo nữa anh chuyển khoản cho em, muốn mua gì thì mua. Sướng nhất rồi đấy nhá”. Những tưởng đêm đó, vợ sẽ hài lòng, sẽ thổn thức sà vào ngực chồng mà thốt lời cảm ơn nồng nàn. Không hề. Thái độ thể hiện sự quan tâm mới là điều cần thiết hơn cả.
Hầu hết đàn ông đều biết rằng, trong một năm có những dịp phải tặng quà cho vợ/người tình; ngược lại “nửa kia” cũng thừa biết “quyền lực” của mình trong ngày đó. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, hãy nghĩ đến mục đích cuối cùng vẫn là cái tình dành cho nhau. Cái tình ấy mới quan trọng nhất, bởi sau trao - nhận quà thì điều còn lại vẫn không ngoài mong mỏi gắn kết “tình thương mến thương” lan tỏa lâu dài hơn nữa.