pnvnonline@phunuvietnam.vn
Món tráng miệng nổi tiếng với nguyên liệu giá 50 triệu đồng/kg ở Trung Quốc
Nguyên liệu độc lạ
Tại Trung Quốc có món tráng miệng "hasma táo đỏ hạt sen", "hasma đường phèn kỳ tử" được nhiều người biết đến. Trên thực tế, hasma (hay còn được gọi là xueha trong tiếng Trung Quốc) là đặc sản từ mô mỡ gần ống dẫn trứng của ếch.
Theo SCMP, ếch dùng để chế biến hasma thường là ếch cỏ Asiatic, chứ không phải loài ếch tuyết quý hiếm như nhiều người lầm tưởng. Có lẽ sự nhầm lẫn trên xuất phát từ việc nhiều người tin rằng các vị vua chúa thời xưa thường dùng nguyên liệu quý hiếm.
SCMP cho biết, giờ đây ếch cỏ được nuôi và được lai tạo đặc biệt để phục vụ cả mục đích ẩm thực và dược liệu.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, hasma không phải ống dẫn trứng mà là mô mỡ xung quanh ống dẫn trứng của ếch.
Ếch được thu hoạch mỗi năm một lần, sau đó đem phơi khô. Người ta sẽ tách lấy hasma rồi đem phơi khô tiếp. Mỗi con ếch chỉ có một chút mô mỡ và tất cả được làm thủ công nên giá thành rất đắt đỏ. Sau khi ngâm nước, hasma sẽ nở ra. Đây là nguyên liệu được các đầu bếp Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng.
Loại hasma nổi tiếng nhất và có chất lượng tốt nhất được lấy từ loài ếch cỏ ở Cát Lâm. Giá thị trường của hasma hảo hạng có thể lên đến 64 USD/28 gram (khoảng 1,5 triệu đồng cho 28 gram). Như vậy thì 1kg hasma có giá lên tới hơn 50 triệu đồng.
Kwan Man Wong, bếp trưởng của nhà hàng Old Bailey ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, sau khi nấu chín, hasma sẽ hơi dính và dai. Nhiều người lựa chọn hasma vì nó mang tới cảm giác sang trọng và các lợi ích cho sức khỏe.
Kelvin Au Yeung, bếp trưởng của nhà hàng Jade Dragon ở Ma Cao, Trung Quốc cho biết: "Nó (hasma) mịn và mềm, tương tự như nhựa đào".
Không dễ để tìm thấy món hasma tại các nhà hàng thông thường. Theo ông Yeung, có những thách thức nhất định để chế biến được món hasma hoàn hảo.
"Thật khó để đạt được kết cấu tốt nhất. Nấu quá lâu hoặc quá nhanh sẽ khiến món ăn có kết cấu kém, quá nhão hoặc quá cứng" – Ông Yeung cho hay.
Hasma thường được dùng trong các món tráng miệng, là thành phần của món súp ngọt và lạnh, bao gồm các nguyên liệu khác như lê, chà là đỏ, táo đỏ, đường phèn và trái cây sấy khô. Nó cũng có thể được dùng để pha chế thành một thức uống ngọt và mát, là lựa chọn khá phổ biến ở Singapore.
Nhiều người cho rằng hasma không có hương vị riêng biệt nào. Ông Yeung cho biết, hasma có vị rất nhẹ. Thông thường, nó nên được nấu cùng với các nguyên liệu khác có hương vị tinh tế hơn. Đó cũng là lý do tại sao nó thường được dùng trong các món súp ngọt.
"Vàng mềm" trong nhân gian
Tương tự như tổ yến, lý do chính khiến nhiều người lựa chọn hasma là những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
Niềm tin vào tác dụng chữa bệnh của hamsa xuất phát từ thế kỷ 16. Công dụng của món ăn này được thúc đẩy bởi các tài liệu do những nhà thảo dược học nổi tiếng thời bấy giờ viết ra. Người ta cho rằng hasma có chứa collagen và axit amin giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể được cải thiện, làn da trở nên trẻ trung hơn.
Một số ý kiến khác cho rằng hasma giúp cân bằng nội tiết tố, tăng năng lượng cho cơ thể, giảm tình trạng sức tấy, giảm mệt mỏi và tim đập nhanh. Chính nhờ những công dụng này mà hasma còn được ví von là "vàng mềm" trong nhân gian.
"Hasma như một phần của liệu pháp thực phẩm đã tồn tại lâu đời ở Trung Quốc. Nó là một thành phần quý giá có giá trị chữa bệnh" – Ông Yeung nói – "Theo y học cổ truyền Trung Quốc, hasma là một vị thuốc quý dành cho các hoàng đế thời cổ đại, rất tốt cho làn da phụ nữ và bổ thận cho nam giới".
Tờ People's Daily Online dẫn lời Giáo sư Cui Hequan ở Đại học Y học Cổ truyền Hà Nam cho biết, hasma đúng là có giá trị dược phẩm cao, giúp tái tạo làn da phụ nữ. Đặc biệt, hasma rất phù hợp với những phụ nữ mang thai muốn cung cấp thêm dưỡng chất cho thai nhi, đẩy nhanh khả năng phục hồi sau sinh và cải thiện tình trạng da.
Tuy nhiên, Giáo sư Sun Lihong tại Đại học Y học Cổ truyền Thượng Hải lưu ý rằng, ăn quá nhiều hasma sẽ khiến người dùng có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Mỗi tuần như chỉ nên ăn hasma một lần, mỗi lần từ 10-15g là đủ.
"Cần cẩn trọng với những thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ động vật như hasma và keo ong" – Ông Sun cảnh báo.