Hàng ngàn chiếc bánh xèo chay miễn phí
Thiền viện Đông Lai được xây dựng từ năm 1999 với kiến trúc cầu kỳ, trang nghiêm, do thượng tọa Thích Thiện Chí trụ trì. Khuôn viên Thiền viện khá rộng và thoáng với nhiều loại cây cảnh trang trí xanh mát. Khi đến đây, du khách có thể vãn cảnh chùa, hành hương và chiêm ngưỡng tượng Phật nằm rất đẹp. Sau đó, du khách còn có dịp thưởng thức món bánh xèo chay được nhà chùa phục vụ miễn phí.
Lý giải cho câu hỏi vì sao Thiền viện Đông Lai còn được gọi là “chùa bánh xèo”, các phật tử cho biết, trước kia vào mỗi dịp rằm lớn, có rất nhiều phật tử thường về đây để đi lễ, cúng chùa. Các thầy trong chùa mới nghĩ ra việc làm bánh xèo chay thiết đãi khách, sau đó nhờ những người làm công quả giúp sức. Kinh phí để mua nguyên liệu làm bánh xèo được trích từ một phần tiền cúng dường. Thời gian đầu, chùa chỉ làm với số lượng ít để đãi khách thập phương đến viếng chùa. Thế rồi “tiếng lành đồn xa”, khách đến chùa ngày một đông và số lượng bánh xèo chay phục vụ do vậy mà ngày càng tăng lên.
Vào ngày thường, trung bình nhà chùa đổ hàng ngàn chiếc bánh xèo chay để phục vụ khách. Riêng các ngày cuối tuần, Mùng 1 hay ngày rằm thì lượng khách có thể tăng lên 3-4 lần; do vậy số lượng bánh xèo cũng tăng lên.
Có lúc, nhà chùa phải dùng đến 4 giàn bếp hoạt động hết công suất mới phục vụ hết nhu cầu của khách. Khẩu phần ăn bánh xèo ở đây, nhà chùa không quy định mà khách muốn ăn bao nhiêu cũng được. Khi ăn bánh xèo xong, khách còn được nhà chùa tận tình phục vụ nước giải khát, có thể là trà đường, đá chanh hoặc cà phê.
Ông Phước - người phụ trách nhà ăn ở ngôi chùa đặc biệt này - cho biết, đối với món bánh xèo chay ở Thiền viện Đông Lai, từ nguyên liệu bột gạo thông thường, những hạt đậu xanh nguyên hột, tàu hũ, giá đỗ, đến nấm mèo, củ sắn xắt nhỏ, nước dừa… đều được lựa chọn lựa kỹ càng. Các loại rau ăn kèm với món bánh này chủ yếu là rau sạch do phật tử và người dân xung quanh trồng rồi đem tặng chùa, một số loại rau được phật tử hái từ trên núi Cấm như rau kim thất mọc ven triền núi mùi vị độc đáo, ít nơi nào có được.
Kinh phí cho việc đổ bánh do các phật tử đóng góp. Ai có lòng thì đóng góp vào thùng từ thiện. Ăn bánh xèo ở đây không chỉ có những người đi viếng chùa mà còn cả những công nhân, người lao động, buôn bán... Tất cả dù có hay không đóng góp cũng được thiết đãi miễn phí.
Tấm chân tình níu chân du khách
Để những giàn bếp đổ bánh xèo đỏ lửa trong suốt gần 20 năm qua, ngoài tấm lòng của nhà chùa thì phải kể đến sự góp công, góp sức của những người làm công quả. Hiện tại có khoảng 10 đầu bếp tình nguyện đổ bánh xèo tại Thiền viện Đông Lai.
Ông Đào Quốc Hận (52 tuổi, ngụ xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “Mới đầu chỉ có một vài lò đổ bánh xèo nhưng do số lượng khách ngày càng đông nên mọi người mới “chế” ra 4 giàn bếp, mỗi giàn 12 lò để đổ bánh. Mình làm riết thành quen, chụm đều lửa nên đổ đều bánh, nhưng ngồi lâu nóng lắm. Phải 9-10 người thay phiên nhau ngồi đổ lúc đông khách mới kịp”.
Việc đổ bánh xèo tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra cũng lắm công phu. Đôi tay những người đầu bếp thoăn thoắt di chuyển qua từng cái chảo, cái này vừa ráo mặt, giòn lớp vỏ thì cái kia vừa chín. Hai tay người đầu bếp vừa khuấy bột, đổ bột, thêm nhân và xoay chảo liên tục, điệu nghệ. “Làm lâu thì tay nghề sẽ cao lên, quan trọng là đổ làm sao để bánh không bị khét mà phải giòn, thơm ngon.nhìn thì đơn giản vậy thôi chứ làm thì khó lắm, muốn chiếc bánh ngon giòn phải từ khâu khuấy bột sao cho đều tay, sử dụng chảo thật nhanh tay, chú ý củi lửa và canh độ nóng để không làm khét bánh”, ông Võ Thiện Tính (54 tuổi) nói.
Chị Trần Tô kim Phượng (28 tuổi) cho biết, mỗi khi có thời gian rảnh là chị lại chạy lên chùa để phụ quét dọn. Vào những dịp đông khách đến chùa như Lễ Vu Lan, Phật Đản thì chị cũng kiêm luôn việc đổ bánh xèo chay miễn phí.
“Những lúc khách đến đông, mình cũng phải làm bở hơi tai, mệt lắm nhưng trong lòng rất vui vì đã làm một việc có ích cho chùa, xã hội.Nhìn khách ăn bánh xèo ngon lành, bản thân tôi cũng hãnh diện lắm. Tôi mong muốn khách đến chùa ngày càng đông hơn nữa, để chúng tôi sẵn dịp giới thiệu món bánh đặc trưng của người dân miền Tây hào sảng và chân tình”.