'Mong Bộ trưởng GD&ĐT nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né'

31/10/2018 - 12:15
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào đầu giờ sáng nay 31/10, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) mong muốn "Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục trong thời gian tới".

Ngay sau phần Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) vào sáng 31/10 liên quan đến dự thảo thông tư xử phạt sinh viên bán dâm, chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Mạnh Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, Bộ trưởng GD&ĐT đáng ra không nên bàn thêm về sơ suất của cán bộ soạn thảo.

Theo ông Hùng, Quy định phòng chống mại dâm đã có văn bản pháp luật và dù là đối tượng nào thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không cần thiết phải bàn thêm về trách nhiệm của cán bộ soạn thảo dự thảo Thông tư nói trên.

 

hunng.jpg
Ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
 

“Trong quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có việc đưa lên mạng lấy ý kiến xã hội. Vấn đề ở chỗ việc đưa văn bản lên mạng không chỉ dừng lại ở cấp soạn thảo, cấp này không quyết định được mà tôi nghĩ rằng phải có lãnh đạo Bộ xem xét thẩm định trước khi đưa dự thảo Thông tư lên mạng. Ai cũng đều hiểu, khi văn bản đã đưa lên mạng thì sức lan tỏa và sự ảnh hưởng là lớn, chứ không đơn thuần dừng lại ở mức dự thảo”, ông Hùng nhận định.

Một điều nữa khiến ông Hùng băn khoăn là theo lời Bộ trưởng Nhạ, văn bản này có sự tiếp nối văn bản cũ từ năm 2007. Theo đó, cần nghĩ đến trách nhiệm thẩm định của cơ quan liên quan đến Quốc hội. “Một văn bản đã ban hành hơn 10 năm mà chưa phát hiện bất hợp lý thì có vai trò trách nhiệm của cơ quan khối lập pháp về việc thẩm định”, ông Hùng cho hay.

Còn PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, đây là bài học sâu sắc đối với các lãnh đạo khi để xảy ra sơ sót đáng tiếc. Theo bà An, các lãnh đạo ngành nên chọn bộ tham mưu thật tốt, trong đó là khâu tuyển dụng cán bộ.

“Ngay hôm qua, các đại biểu cũng vừa chất vấn là tại sao cứ liên tục rút kinh nghiệm rồi mà vẫn không có gì thay đổi? các đồng chí kỷ luật vẫn chỉ là thuyên chuyển qua bộ phận khác. Ngành nào cũng vậy, đặc biệt là ngành giáo dục, Cần chọn cán bộ cấp dưới như thế nào đó để khi trình lên, mình vẫn phải đọc nhưng có sự tin tưởng về trình độ, về cái tâm của họ để tránh những sơ suất không đáng có như vậy”, bà An cho hay.

fullsizerender.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

 

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, đại biểu rất chia sẻ với các bộ trưởng vì có rất nhiều vấn đề "nóng", tuy nhiên khi đặt ra câu hỏi họ đều đã “tính toán”. Để một thông tư được ban hành, trước đó Bộ trưởng cần chuẩn bị chu đáo, nội bộ cần bàn luận kỹ, bản thân Bộ trưởng cũng phải đọc trước khi đưa ra dư luận. 

Trước đó, chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục. "Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm, song rồi tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?", bà Hiền chất vấn.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào đầu giờ sáng nay 31/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhắc lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế; văn bản nào ban hành có sai sót phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng". "Là người có con em đi học, trước năng lượng tiêu cực của xã hội trong thời gian qua mà Bộ giáo dục mang đến, tôi vô cùng lo lắng", bà Hiền chia sẻ.

hien.jpg
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền
 

"Tôi hỏi vai trò của người đứng đầu nhưng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà chuyển cho một cá nhân khác. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục", bà Hiền nói và mong muốn "Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục trong thời gian tới".

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đã tranh luận về điều này khi cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, song đây là văn bản đang trong quá trình xây dựng. Theo bà Hạnh, Bộ trưởng - người đứng đầu - sẽ chịu trách nhiệm lĩnh vực quản lý của mình khi đến thời điểm văn bản chính thức ban hành. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm