Mong manh đời người phụ nữ có chân mọc ngược

23/12/2016 - 09:54
51 tuổi, người phụ nữ ấy chưa hề biết đến niềm vui, sự sung sướng hay hạnh phúc của một người bình thường nhất. Ngày nào cũng vậy, mình bà lủi thủi bò lê trên con thuyền chắp vá, cố nép vào rìa con lạch nhỏ để sống qua ngày đoạn tháng.
Con lạch nhỏ ấy thuộc xóm vạn chài, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bà có một cái tên mộc mạc Phan Thị Sen, nặng chưa tới 35kg.

Cuộc đời bà là một chuỗi những ngày cơ cực, đội nắng, đội mưa, gồng mình chống chọi cùng cuộc sống. Giờ đã 51 tuổi, bà lại gồng người chống bệnh tật và chống cả đói nữa.
ba-sen7.jpg
 Bà chỉ biết nói: “Trời bắt tôi thế rồi, cứ cố sống được ngày nào thì sống thôi”.

Anh Ảnh, người cháu gọi bà Sen bằng dì ruột dẫn chúng tôi ra sông, anh gọi: “Dì Sen ơi, có khách đến tìm dì?”. Con thuyền nhỏ chậm chạp tiến lại gần bờ, ngồi trên mũi thuyền, chèo ra đón chúng tôi là một người đàn bà tóc đã bạc, thân hình nhỏ thó trong một bộ quần áo rộng thùng thình, 2 chân của bà mọc ngược lên, đâm vào nách.

ba-sen5.jpg
Ngày ngày, bà chênh vênh đi thả lưới, đặt đó tôm để vừa bán, vừa kiếm đồ ăn.

Dưới sự điều khiển thuần thục của người đàn bà nhỏ bé, con thuyền mong manh như vỏ trấu cũng cập vào sát một con thuyền to hơn được làm bằng xi măng, lợp mái tôn có sàn lát bằng gỗ xẻ đã cũ. Bà Sen nói: “Mời các bác lên nhà em chơi”.

Trên con thuyền lớn này, mọi thứ từ bếp đến ban thờ, chỗ ngủ, đồ đạc khá ngăn nắp và sạch sẽ. Tài sản đáng giá và hữu ích nhất là chiếc quạt điện, trị giá khoảng 200 nghìn đặt ở giữa nhà.

Bố mẹ bà Sen sinh được 4 anh chị em. Anh cả và chị gái thứ 2 thì lành lặn. Anh cả lấy vợ hiện đang đi ở rể. Chị gái lấy chồng cũng hoàn cảnh nghèo khó. Bà và người chị gái thứ 3 đều tật nguyền giống nhau. Từ bé tới khi chị 3 mất, hai chị em chỉ sống trên con thuyền nhỏ này, hiếm khi được lên bờ để biết cuộc sống trên đó thế nào. Bà cũng chẳng biết các bạn ở trên bờ đi học hành ra sao, dù bà rất thèm đi học.

ba-sen6.jpg
Giờ đã 51 tuổi, bà lại gồng người chống bệnh tật và chống cả đói nữa.

Bà Sen không biết chữ. Đến bây giờ, bà chỉ biết đếm số từ 1 đến 9 là do có cái điện thoại thỉnh thoảng dùng để gọi nhờ mấy cháu mỗi khi bị đau ốm hay nhờ cháu đong gạo, lấy nước sạch giúp...

Cả đời sống trên sông nước, bà Sen từng chịu bao vất vả. Đó là lần bà chăm mẹ ốm trong suốt 6 năm. Mẹ nằm thuốc thang trên thuyền. Cứ đánh được con tôm con tép nào là bà mang bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ. Sau đó là bố ốm, chỉ lúc yếu sắp mất, ông mới về nhà anh cả để chuẩn bị làm đám ma. Chị gái cũng ốm trên con thuyền này cho đến khi mất (năm 2012), để lại mình bà dưới khúc sông cho đến giờ.

ba-sen3.jpg
Sống ở trên sông, bà sợ nhất vẫn là những hôm mưa bão. Một mình bà ở dưới thuyền cứ quay như chong chóng, sóng đánh trùm qua thuyền, bà phải thức cả đêm để tát nước, chỉ sợ thuyền bị đắm. 

Bà Sen cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng tôi được 1 triệu đồng tiền trợ cấp xã hội diện người tàn tật và hộ nghèo. Những năm trở lại đây, sức yếu, lại làm việc dưới nước nhiều, nên giờ cứ chạm tay vào nước mặc dù là mùa hè cũng bị buốt; còn mùa đông nước lạnh là đau nhức, nhưng tôi vẫn cố thả lưới và đặt đó tôm vừa ăn, vừa bán”. Mỗi ngày bà bán tôm tép cũng được 15 đến 20 nghìn đồng. Hôm nào ốm quá, bà mới nghỉ.

ba-sen1.jpg
Một năm, bà chỉ đếm trên đầu ngón tay những bữa cải thiện xa xỉ lắm có miếng thịt để ăn 

Ở sông, bà dẫn nhờ điện nhà ở trên bờ, phải trả khoảng 100 nghìn đồng/tháng. Nhà bà có 3 miệng ăn (bà và 2 con chó) mỗi tháng hết một bao 25kg gạo, khoảng 400 nghìn đồng, ngoài ra còn muối mắm, tiền rau. "Do sống ở sông nên quanh năm tôi ăn cá, tôm tép, vài tháng mới có tiền để ăn mấy miếng thịt đổi bữa. Một năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay những bữa cải thiện xa xỉ lắm có miếng thịt”, bà Sen chia sẻ.

Cũng có một nhà báo từng giúp đỡ và động viên bà một thời gian nói: "Phận đời như bà Sen vẫn sinh sống được, lẽ nào chúng ta không thể cố gắng để sống tốt hơn?".

“Thôi thì cứ phó thác số phận, trời bắt chân tôi mọc ngược rồi thì sống tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao? Ốm đau, đói khát thì cũng cố mà chịu vậy!”, bà Sen nói. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm