Mong manh ước mơ thành sinh viên của cô bé không có mẹ ở bên

Diễm Hạnh
09/07/2023 - 08:09
Với nhiều em học sinh, học đại học hay cao đẳng chỉ là bước tiếp theo trên hành trình học vấn, còn đối với Ngân, đó lại là tương lai mịt mờ.

Tôi đến gặp em Lê Thị Kim Ngân (18 tuổi, Cần Giuộc, Long An) vào ngày 27/6, ngày thủ tục dự thi ở các điểm thi để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ngân vừa đạp xe 5 cây số để có thể đến trường đăng dự thi một kỳ thi mà em nhiều lần đã có ý nghĩ bỏ cuộc.

“Ráng học” giữa muôn vàn khó khăn

Kim Ngân từ nhỏ đã sống cùng với người dì ở một miền quê tỉnh Long An cách thành phố không xa. Không thể lo cho con gái, mẹ em để em lại với dì Năm rồi lên thành phố bán vé số, sống cùng người con trai. 

Mẹ không thể đón em lên ở cùng vì không thể cáng đáng, thu xếp, Ngân vì thế mà chỉ có thể sống những ngày tháng xa mẹ, chỉ những hôm có lễ, tết mẹ mới về thăm em vài hôm rồi lại tất tả lên thành phố mưu sinh. 

Mẹ Ngân bán vé số, mỗi ngày cũng không được bao nhiêu, nên mỗi tháng chỉ gửi cho em 1 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt phí. Chỉ hơn 30 nghìn đồng để dùng mỗi ngày nhưng đối với Ngân em cũng chưa thấy mình thiếu thốn bất kỳ thứ gì. 

Cánh cửa thành sinh viên mịt mờ của cô bé sống không có mẹ ở cạnh bên - Ảnh 1.

Dù vậy, chỉ vỏn vẹn 1 triệu để chi tiêu đương nhiên không đủ với cô bé đang ngưỡng trưởng thành, với bao thứ phải chi như tiền sách vở, giấy bút,... Ngân chia sẻ, những khoản liên quan đến học tập phần lớn được người ta cho hoặc nhà trường hỗ trợ một phần. 

Áp lực về kinh tế không chỉ đối với Ngân mà còn đối với dì Năm. Dì trong một cơn sốt đã dẫn đến việc bại liệt, giờ đây đi lại khó khăn. Dì Năm là người nuôi nấng Ngân từ nhỏ. Nhưng với một người tàn tật, dì cũng mất khả năng lao động. 

Cánh cửa thành sinh viên mịt mờ của cô bé sống không có mẹ ở cạnh bên - Ảnh 2.

Dì Năm chỉ quanh quẩn ở nhà, bán thuốc lá, rượu và mì gói cho những người trong thôn, xóm, thu nhập thất thường. Dì chỉ còn biết trông vào 700 nghìn tiền trợ cấp cho người tàn tật. 

Vài tháng trước, Ngân có bị tai nạn. Không nghiêm trọng nhưng chân em cũng phải bó bột. Lúc ấy cũng vừa thi học kỳ xong, cô giáo có khuyên em nghỉ học ở nhà nhưng Ngân vẫn ráng đến trường. Chân bị đau em không thể đạp xe, chỉ còn cách bắt xe ôm, mỗi ngày đi đi về về cũng tốn 50, 60 nghìn đồng nhưng em vẫn cố gắng đến trường.

Hai người, một già một trẻ nương tựa vào nhau chỉ với hơn 2 triệu đồng mỗi tháng cho sinh hoạt. Dì Năm thật tình chia sẻ rằng nhiều lúc cũng khuyên Kim Ngân nghỉ học, kiếm việc gì đó làm vì hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng thấy đứa nhỏ ham học, nhất quyết không chịu nghỉ, dì cũng không đành lòng. 

Tương lai bấp bênh 

Khi hỏi em Ngân về tương lai, câu trả lời chỉ có vỏn vẹn “Em cũng không biết nữa”, dì Năm của em cũng vậy, dì cũng không biết tương lai của em sẽ như thế nào trong lúc này. 

Em Ngân có chia sẻ em đã đăng ký nguyện vọng vào ngành "Biên phiên dịch tiếng Anh" của một trường Cao đẳng. Khi nhắc đến việc này, dì Năm vui lắm, khoe đứa cháu học tiếng Anh rất khá. Đó cũng là niềm vui nho nhỏ của dì. 

Ngân cũng có tìm hiểu về học phí ở trường cao đẳng, 6-7 triệu cho một học kỳ không phải là một con số quá đắt đỏ. Em có dự định sau khi đỗ cao đẳng sẽ cố gắng đi làm thêm đi chi trả tiền học phí. Không thể ở trọ cùng mẹ.

Ngân dự định ở ký túc xá của trường, đâu đó ở huyện Nhà Bè, xa nơi đây đến gần 30 cây số. Sau này khi Ngân đi học cao đẳng, dì Năm sẽ phải ở lại quê nhà một mình. 

Buổi chiều dần xuống ở ngôi nhà tình thương nhỏ bé, trơ trọi giữa đồng. Ngôi nhà đã dựng lên từ năm 2006 nên đến giờ đã cũ đi vài chỗ, dột vài chỗ. Cái giường của Ngân trong phòng cũng đã cũ đến mức mục gãy. Nhưng ở đó vẫn có một cô học với một giấc mơ đau đáu được tiếp tục đến trường...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm