pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một cơn ho thường kéo dài bao lâu?
Đầu tiên bạn cần biết ho là một phản xạ đẩy không khí ra khỏi đường thở của bạn. Đây là cách mà cơ thể làm sạch đường hô hấp khỏi các chất kích thích như bụi, chất nhầy hay vi trùng. Ho cũng là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau nên thời gian ho kéo dài bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố.
1. Một cơn ho thường kéo dài bao lâu?
Có nhiều mức độ ho khác nhau được phân loại theo triệu chứng hoặc thời gian xuất hiện cơn ho. Chẳng hạn như ho có đờm là ho có chất nhầy hoặc đờm trong khi ho khan là ho không đờm. Nếu xác định theo thời gian thì ho được chia thành 3 loại:
- Ho cấp tính: cơn ho kéo dài dưới 3 tuần
- Ho bán cấp: ho kéo dài từ 4 tuần tới 8 tuần
- Ho mãn tính: ho kéo dài trên 8 tuần.
Dưới đây là một số khác biệt về thời gian ho kéo dài bao lâu giữa các bệnh hô hấp phổ biến:
1.1. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên có nguyên nhân do hơn 200 loại virus gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh CDC thì ho cùng với các triệu chứng cảm lạnh điển hình khác thường bắt đầu trong vòng 2 - 3 ngày sau khi nhiễm virus cảm lạnh.
Cơn ho do cảm lạnh thông thường có thể kéo dài từ 10 - 14 ngày và thường là triệu chứng cảm lạnh cuối cùng biến mất. Trong một số trường hợp thì ho do cảm lạnh có thể kéo dài trên 2 tuần.
1.2. Bệnh cúm
Giống như cảm lạnh thông thường thì cúm cũng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các chủng virus cúm khác nhau là nguyên nhân gây bệnh, thường thì dịch cúm sẽ xảy ra vào mỗi mùa thu hoặc mùa đông trên khắp thế giới.
Theo CDC thì đa phần các triệu chứng cúm sẽ thuyên giảm sau từ 3 - 7 ngày. Nhưng cơn ho có thể kéo dài tới 14 ngày hoặc lâu hơn; đặc biệt là ở người lớn tuổi hay người đang mắc các bệnh phổi mãn tính.
1.3. Viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh mà các phế quản bị viêm do nhiễm trùng đường hô hấp và việc tiếp xúc với các dị nguyên có tính kích thích như khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, mạt bụi gây ra.
Nhiều trường hợp mắc viêm phế quản có thể là cấp tính hoặc tạm thời. Triệu chứng viêm phế quản phổ biến nhất là ho - thường cải thiện trong vòng 3 tuần.
Đôi khi viêm phế quản nếu không can thiệp đúng sẽ trở thành mãn tính hoặc viêm phế quản kéo dài; lúc này người bệnh có thể bị ho có đờm kéo dài tới 3 tháng và có thể bị tái phát từ năm này qua năm khác.
1.4. Viêm phổi
Viêm phổi xảy ra khi các túi khí nhỏ là phế nang trong phổi bị viêm. Viêm phổi thường gồm các biểu hiện như ho, sốt, khó thở. Và mặc dù virus có thể gây ra viêm phổi nhưng hầu hết các trường hợp là do nhiễm khuẩn.
Nói chung thì ho do viêm phổi thường khỏi hoặc cải thiện dần trong vòng 6 tuần. Thời gian ho kéo dài bao lâu và thời gian phục hồi chính xác có thể khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng người bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng.
1.5. COVID-19
Trung bình thì ho do COVID kéo dài khaorng 19 ngày. Theo WHo thì những người đã khỏi COVID-19 có thể bị ho sau nhiễm virus (hậu COVID) hàng tuần hoặc hàng tháng thậm chí là 1 năm.
Nếu cơn ho của bạn kéo dài hơn thời gian bạn bị ốm thì đây có thể là biểu hiện của COVID kéo dài, bao gồm các triệu chứng như khó thở, thở dốc, tức ngực, tim đập nhanh.
1.6. Ho gà
Ho hà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn nghiêm trọng. Mặc dù bạn có thể thình thoảng bị ho trong giai đoạn đầu của bệnh ho gà nhưng các giai đoạn sau cơn ho xuất hiện dữ dội hơn với âm thanh đặc trưng "khục khục", nhất là khi bạn hít sâu vào.
Theo CDC thì những cơn ho liên quan tới bệnh ho gà thường kéo dài tới 10 tuần hoặc lâu hơn.
1.7. Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản cũng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Một số loại virus có thể liên quan tới bệnh này.
Đặc trưng của ho do viêm thanh khí phế quản là ho khan và gắt tiếng như tiếng chó sủa hoặc hải cẩu kêu; triệu chứng này thường tệ hơn vào buổi tối. Ho thì viêm thanh khí phế quản thường kéo dài từ 3 - 7 ngày.
1.8. Dị ứng
Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn phản ứng với một dị nguyên nào đó như phấn hoa, bụi, lông thú cưng,... Các triệu chứng của dị ứng ngoài ho còn có sổ mũi, chảy nước mắt - nước mũi, ngạt ngũi.
Tùy thuộc vào loại dị ứng mà thời gian bị ho cũng khác nhau.
2. Nguyên nhân của một cơn ho kéo dài dai dẳng là gì?
Trong khi nhiều cơn ho thường là cấp tính kéo dài trong thời gian ngắn thì cũng có những cơn ho kéo dài hơn do các nguyên nhân như:
- Chảy nước mũi sau khi xoang tiết ra quá nhiều chất nhầy và chảy xuống cổ họng khiến bạn bị ho. Dị ứng là nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mũi sau
- Nhiễm trùng đường hô hấp cũng gây ho kéo dài do sự quá mẫn cảm trong đường thở của bạn
- Các tình trạng sức khỏe mãn tính tiềm ẩn khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, xơ nang, trào ngược axit, trào ngược thanh quản, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan, bệnh phổi kẽ, ung thư phổi, suy tim mãn tính, chứng ngưng thở khi ngủ,...
- Thói quen hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ho mãn tính/kéo dài
- Một số loại thuốc có thể gây ho dai dẳng như thuốc chứa chất ức chế thụ thể ACE, thuốc chặn canxi, thuốc tăng nhãn áp,...
3. Ho kéo dài có gây biến chứng sức khỏe nào không?
Ho dai dẳng có thể làm gián đoạn sinh hoạt hàng ngày của bạn và các biến chứng sức khỏe khác như:
- Kiệt sức, mệt mỏi
- Mất ngủ, khó ngủ
- Đau nhức đầu
- Khàn giọng
- Đau cơ
- Chóng mặt
- Nôn mửa
- Mất kiểm soát bàng quang (són tiểu),...
4. Cần làm gì khi bị ho kéo dài?
Nếu bạn bị ho kéo dài, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm ho tại nhà dưới đây để làm dịu cơn ho:
- Uống nhiều nước để loại bỏ các chất kích thích tiềm ẩn ra khỏi họng của bạn. Ngoài nước bạn có thể uống các chất lỏng khác như trà, súp
- Bổ sung độ ẩm không khí để giúp làm dịu kích ứng ở đường hô hấp và cổ họng bằng máy bù ẩm hay đứng trong nhà tắm mở vòi sen nước ấm
- Đồ uống ấm pha thêm 1 - 2 thìa mật ong như nước chanh hay các loại trà thảo dược khác có thể giúp giảm ho. Tuy nhiên không được sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc
- Ngậm thuốc ho, viên ngậm
- Tránh các chất kích thích có thể khiến cơn ho của bạn tồi tệ hơn như khói thuốc lá, bụi bặm, ô nhiễm môi trường,...
- Dùng thuốc không kê đơn đối với ho do dị ứng hay chảy nước mũi sau. Thuốc thông mũi không kê đơn hay thuốc kháng histamine có thể giúp ích trong trường hợp này. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn quyết định sử dụng bất kì loại thuốc nào bởi thuốc OTC có thể hỗ trợ điều trị cơn ho cấp tính nhưng không giúp điều trị tình trạng sức khỏe tiềm ẩn gây ho dai dẳng.
5. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Một nguyên tắc đối với các cơn ho đó là bạn cần thăm khám bác sĩ nếu cơn ho không biến mất sau 3 tuần. Bạn cần tư vấn và các chỉ định sàng lọc từ bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân gây ho là gì. Ngoài ra nếu bạn bị ho kèm theo các triệu chứng dưới đây cũng cần thăm khám sớm:
- Ho ra máu hoặc nhiều đờm lẫn máu, dịch hồng
- Ho kèm theo sốt, thở khò khè hoặc nôn mửa
- Ho kèm theo đau tức ngực nhưng không liên quan tới các cơn ho
- Ho kèm theo chán ăn hoặc giảm cân bất thường không rõ nguyên nhân.
Nhìn chung thì thời gian kéo dài cơn ho có thể giúp bạn xác định một số nguyên nhân gây bệnh nhưng bạn cần quan sát thêm các dấu hiệu kèm theo khác để có biện pháp đối phó kịp thời.