pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một kiểu nói chuyện là biểu hiện EQ thấp chốn công sở
Trong khi ngồi chờ cuộc họp bắt đầu, bạn cố gắng nghĩ ra chủ đề để trò chuyện với những người xung quanh - điều gì đó hấp dẫn và lôi cuốn. Nhưng khi không tìm ra được gì, bạn bắt đầu nói về những thứ chung chung và đưa ra câu chuyện phiếm.
Chuyên gia cho rằng thay vì dành thời gian để nói về những thứ không thiết thực, bạn nên xây dựng mối quan hệ bền chặt với đồng nghiệp. Nếu là người có trí tuệ cảm xúc (EI) cao, bạn sẽ không mở đầu bằng những câu chuyện nhỏ với chủ đề vô nghĩa. Bởi những câu chuyện phiếm thực sự có thể gây hại cho việc xây dựng mối quan hệ.
Trí tuệ cảm xúc (EI) hoặc Chỉ số cảm xúc (EQ) là loại trí thông minh xã hội liên quan đến khả năng quản lý và giám sát cảm xúc của chính mình cũng như người khác. Theo Verywell Mind, người có EQ thấp thường có ít bạn thân. Điều này là do tình bạn thân thiết đòi hỏi sự cho đi và nhận lại, chia sẻ cảm xúc, lòng trắc ẩn và hỗ trợ về mặt cảm xúc - những đặc điểm mà người EQ thấp thường thiếu. Ngoài ra, những người có EQ thấp thường không biết nói điều gì thích hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn, họ có thể đề cập đến vấn đề thiếu tế nhị tại đám tang hay pha trò ngay sau sự kiện bi thảm.
Chỉ số EQ cao giúp bạn xây dựng các mối quan hệ, giảm sự căng thẳng giữa nhóm người, xoa dịu xung đột và cải thiện sự hài lòng. Nhiều năm nghiên cứu cho thấy người càng có nhiều trí tuệ cảm xúc thì hiệu suất làm việc của họ càng tốt.
Nhưng làm thế nào để bạn phát triển mối quan hệ với những người xung quanh và tạo nên những cuộc giao tiếp thông minh - kiểu trò chuyện giúp bạn hiểu rõ hơn về cách người khác suy nghĩ, cảm nhận và cư xử?
Tại sao bạn nên bỏ chuyện phiếm
Đầu tiên, bạn cần xác định ý nghĩa chính xác của chuyện phiếm. Đó là những cuộc trò chuyện thông thường về các vấn đề không quan trọng và không thiết thực. Chuyện phiếm có thể giúp bạn và đồng nghiệp giết thời gian và tăng kết nối, nhưng kiểu nói chuyện này có hại hơn là có lợi.
Một trong những hệ luỵ của chuyện phiếm là nỗi đau chúng gây ra cho người khác. Người nói có thể xì xào về người nào đó mà họ thấy bất mãn, chia sẻ câu chuyện đáng lẽ là bí mật hay thậm chí là lan truyền những lời dối trá.
Do vậy, chuyện phiếm hời hợt không mang lại sự kết nối sâu và bền chặt. Trong một số trường hợp, những câu chuyện vô nghĩa có thể khiến hình ảnh bạn xấu đi trong mắt đồng nghiệp, phá vỡ lời hứa và gây tổn thương cho người khác, khiến họ không còn lòng tin dành cho bạn. Cuối cùng, bạn sẽ không còn lại gì.
Hãy là người thú vị
Trong cuốn sách kinh điển "Đắc nhân tâm", tác giả Dale Carnegie đã kể lại lần ông gặp một nhà thực vật học nổi tiếng tại bữa tiệc. Suốt buổi tối, Carnegie ngồi ở mép ghế, bị mê hoặc bởi câu chuyện về những loài thực vật kỳ lạ và các cuộc thí nghiệm trong vườn của người đàn ông này. Carnegie đã đáp lại lời tâm sự của nhà thực vật học bằng những câu hỏi về các vấn đề làm vườn và bày tỏ sự biết ơn khi người ấy giải đáp thắc mắc. Đến giờ ra về, nhà thực vật học quay sang người chủ trì bữa tiệc và ca ngợi Carnegie là "người nói chuyện thú vị nhất".
Mẩu chuyện này là ví dụ minh hoạ về việc xây dựng sự tôn trọng và tầm ảnh hưởng với người khác. Muốn người xung quanh quan tâm đến những gì bạn nói, trước tiên bạn phải quan tâm đến họ. Kết quả sẽ là cuộc trò chuyện có ý nghĩa và viên mãn hơn. Sau đó, bạn có thể đặt những câu hỏi như "Bạn đến từ đâu", "Bạn hứng thú với điều gì" hay "Bạn muốn học thứ gì"... Nhưng người nói cần lưu ý đặt câu hỏi một cách cởi mở, không thể hiện sự xúc phạm hay tọc mạch.
Nếu khao khát trở thành người nói chuyện lôi cuốn, Carnegie khuyên mọi người nên học cách lắng nghe trước. Người nói thường quan tâm đến bản thân và những vấn đề cá nhân của họ, thay vì câu chuyện của người nghe.
Cuốn "Đắc nhân tâm" được viết và xuất bản lần đầu vào năm 1936. Song những lời khuyên của Carnegie được viết trong cuốn sách vẫn phù hợp với thời đại ngày nay. Với sự phát triển của Internet, mọi người tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn là thực sự trò chuyện và lắng nghe nhau ở cuộc đời thực.
Bên cạnh đó, khi bạn từ bỏ cuộc trò chuyện xã giao và coi người đối thoại với mình là người thú vị nhất, bạn sẽ muốn hiểu cách họ suy nghĩ và ý kiến của họ. Nhờ đó, bạn sẽ trở thành con người khác biệt và hấp dẫn hơn.
Đồng thời, họ cũng sẽ quan tâm đến bạn nhiều hơn, thể hiện thái độ cởi mở để lắng nghe cũng như xem xét suy nghĩ và ý kiến của bạn. Khi bạn sẵn sàng nói, họ sẽ sẵn sàng lắng nghe.