pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một ly trà sữa nhiều đường ngang một 1 lít nước ngọt, lượng caffeine bằng 7 lon tăng lực
Tác hại "cộng dồn" của trà sữa và topping
Đầu năm 2022, Ủy ban Người tiêu dùng Thâm Quyến, Trung Quốc đã kiểm tra 10 nhãn hiệu trà sữa phổ biến trên thị trường và phát hiện hàm lượng caffeine trung bình của 10 loại trà sữa này là 258mg/kg. Trong đó, hàm lượng cao nhất là 522mg/kg, tức là một ly trà sữa chứa 365mg cafein, lượng cafein bằng 7 lon nước tăng lực.
Caffeine là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Nếu bạn uống theo dịp, ví dụ khi lái xe, khi tập trung làm việc, đó không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu bạn uống lâu dài, trà sữa có lượng caffeine lớn có thể gây ra rất nhiều tác hại như tim đập nhanh, mất ngủ, lòng bàn tay đổ mồ hôi, hồi hộp, lo lắng, tăng nguy cơ loãng xương và xơ cứng động mạch.
Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng Ninh Ba (Trung Quốc) cũng đã kiểm tra hàm lượng đường trong 26 mẫu trà sữa của 10 nhãn hiệu trên thị trường. Các số liệu họ thu thập được cho thấy, một ly trà sữa 750ml có khoảng 99 gam đường, tương đương đường trong hai chai nước ngọt có ga 500 ml. Đường có tác động tiêu cực tới sức khỏe: phá vỡ hệ thống nội tiết của cơ thể, gây ra các bệnh mãn tính như tăng huyết áp và tiểu đường.
Bất chấp những điều đó, trà sữa vẫn là thức uống phổ biến với nhiều người trẻ hiện nay, từ thành thị đến nông thôn. Người dùng không chỉ uống trà sữa mà còn yêu cầu cho thêm nhiều loại "topping" (phần thêm vào món đồ uống) như trân châu, thạch... để nhai cho vui miệng. Tuy nhiên, những thành phần này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Uống trà sữa không có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Trân châu
Trân châu có nhiều loại, ví dụ trân châu thủy tinh, trân châu đen truyền thống, trân châu hạt nổ... Thành phần chính của trân châu là bột năng hoặc bột nếp, bột mì. Tuy nhiên, một số cơ sở cho thêm các chất phụ gia hoặc nhiều đường để hạt trân châu thêm độ dẻo, dai, giòn.
Theo các chuyên gia về thực phẩm, ăn nhiều hạt trân châu rất dễ gây gánh nặng cho đường ruột. Tiêu thụ lượng lớn hạt này sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, dễ gây tắc ruột và táo bón kéo dài. Nhiều trường hợp từng gặp rắc rối với hạt trân châu khi trở thành khối xơ cứng, khó tiêu hóa trong ruột.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra, trân châu đường đen - loại nhiều bạn trẻ ưa dùng - làm mất cân bằng lượng đường trong cơ thể, rất nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là khi bản thân trà sữa đã có nhiều đường. Khuyến cáo của quỹ vì người tiêu dùng Thái Lan từng cảnh báo: Hầu hết tất cả các loại trà sữa được bán rộng rãi ngoài thị trường đều vượt quá giới hạn về lượng đường tiêu thụ hàng ngày do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Vì thế, tốt nhất, nên hạn chế thêm trân châu khi uống trà sữa.
Kem phủ (Kem mặn, kem dừa nướng... )
Người uống trà thường gọi thêm kem, kem mặn, kem phô mai... phủ một lớp bên trên trà để tăng hương vị cho đồ uống. Tuy nhiên, lớp kem trên trà này chứa nhiều axit béo chuyển hóa, có liên quan mật thiết đến bệnh béo phì và các bệnh tim mạch, gây tác hại lớn đến mức Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tất cả các quốc gia loại bỏ hoàn toàn axit béo chuyển hóa khỏi thực phẩm.
Một số loại kem phủ tuy có hương vị thơm ngon nhưng lại chứa các chất độc hại như chì, đồng, nếu uống lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, hen suyễn và các bệnh khác, khiến trí tuệ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến việc lớp kem topping còn được thêm phụ gia, hương liệu, tác động tiêu cực đến cơ thể.
Thạch dừa
Thạch dừa được nhiều người yêu thích, thường gọi thêm cho món trà. Thạch dừa ăn có vị giòn, thơm, ngọt, tuy nhiên, cần lưu ý rằng thạch dừa trên thị trường hoàn toàn không phải chiết xuất từ cơm dừa mà còn có thành phần hóa học. Quy trình chế biến thạch dừa cũng khiến sản phẩm này có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Chất lượng gelatin dùng để chế biến thạch dừa cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Gelatin là một chất tạo độ dai, độ dày cho kẹo, đây là thành phần rất quan trọng trong công thức tạo ra thạch dừa. Việc sản xuất chất gelatin không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể dẫn tới việc lây nhiễm melamine, chất có thể dẫn đến tác hại về sinh sản, sỏi bàng quang hoặc suy thận, sỏi thận và thậm chí là ung thư.
Thạch sương sáo
Thạch sương sáo được làm từ lá cây sương sáo, có vị thơm ngọt xen lẫn đắng nhẹ, thường được cho thêm vào các món chè, trà... Loại topping này được cho là có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là vào mùa hè.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hợp sương sáo. Ăn nhiều sương sáo sẽ gây khó chịu, đầy bụng và khó tiêu, làm giảm cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến mức độ hấp thu protein và các chất dinh dưỡng khác. Nhiều cơ sở sản xuất, do chạy theo lợi nhuận thường pha chế thêm phụ gia vào thạch, cộng với việc chế biến không sạch sẽ, khiến bạn rất dễ đau bụng, chướng bụng.