pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm phế quản
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân được ghi nhận có khả năng gây bệnh viêm phế quản như hóa chất, bụi, phấn hoa, vi sinh vật (vi khuẩn, virus,...). Trong đó virus và vi khuẩn là những nguyên nhân gây viêm phế quản thường gặp nhất, virus là nguyên nhân chủ yếu chịu trách nhiệm cho hơn 90% các trường hợp bị viêm phế quản.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì mà sẽ thường biểu hiện bằng các thể bệnh khác nhau. Nguyên nhân vi sinh vật (virus, vi khuẩn) thường là nguyên nhân gây nên các trường hợp bệnh viêm phế quản cấp tính. Còn các nguyên nhân hóa chất, bụi,... thường sẽ gây tổn thương phế quản trong thời gian kéo dài và gây viêm phế quản mãn tính.
2. Bệnh viêm phế quản có lây không?
Như đã nói, virus và vi khuẩn là nguyên nhân chịu trách nhiệm chủ yếu cho phần lớn số ca bệnh viêm phế quản. Vì vậy đa phần người bệnh sẽ trở thành vật chủ mang vi sinh vật gây bệnh. Các virus và vi khuẩn gây bệnh sẽ tồn tại trong các loại dịch tiết của người bệnh như nước bọt, nước mũi, đờm,...
Khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc đờm,... thì virus và vi khuẩn sẽ nhân cơ hội phát tán ra ngoài và xâm nhập vào cơ thể lành nếu có điều kiện thích hợp, từ đó lây bệnh viêm phế quản cho người lành.
3. Viêm phế quản có nguy hiểm không?
Viêm phế quản là căn bệnh nguy hiểm nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau cho người bệnh kể đến như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bội nhiễm, viêm phổi,....
Do đó, người bệnh cần được điều trị kịp thời bệnh ngay từ khi có các triệu chứng xảy ra bằng phương pháp điều trị thích hợp.
4. Viêm phế quản có chữa khỏi được không?
Thực tế, có thể chữa khỏi viêm phế quản được hay không sẽ phụ thuộc vào thể bệnh mà người bệnh mà người bệnh mắc phải là gì?
Nếu người bệnh mắc bệnh viêm phế quản cấp tính, bệnh sẽ có tiên lượng tốt và thường sẽ tự khỏi sau khởi phát bệnh một tuần mà không để lại các di chứng về sau. Tuy nhiên nếu mắc viêm phế quản mãn tính, việc điều trị cho người bệnh chỉ có ý nghĩa làm giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh mà không thể chữa dứt điểm bệnh.
5. Khi nào người bệnh nên đến gặp bác sĩ?
Phần lớn bệnh nhân mắc viêm phế quản không cần đến bệnh viện để điều trị nội trú mà sẽ được chỉ định điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh cần được đến gặp bác sĩ ngay để có các phương pháp xử lý thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Các trường hợp bệnh nhân cần gặp bác sĩ bao gồm:
- Sốt cao
- Thay đổi màu sắc đờm
- Khó thở nhiều
- Khó ngủ
- Ho ra máu
6. Có thể phòng tránh viêm phế quản được không?
Tuy rằng cho đến hiện nay vẫn chưa có biện pháp dự phòng nào có thể đảm bảo giúp bệnh nhân phòng tránh cho bệnh nhân hoàn toàn không mắc viêm phế quản, tuy nhiên một số phương pháp dự phòng tích cực được áp dụng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Một số phương pháp phòng tránh viêm phế quản bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc tối đa với khói thuốc, nếu có hút thuốc hãy dừng hút thuốc.
- Sử dụng các biện pháp dự phòng đầy đủ khi tiếp xúc với người bệnh như đeo khẩu trang,...
- Không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân với người khác, đặc biệt là người mắc bệnh viêm phế quản.
- Chăm sóc tốt cơ thể khi bị cúm, cảm lạnh,...
- Rửa tay bằng các loại xà phòng diệt khuẩn.
- Chủ động tiêm phòng các loại vaccin cúm.