Một vài suy nghĩ

09/02/2017 - 10:00
Những ngày, tháng cuối của nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đến rất gần. Chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, cũng là bước sang năm mới 2017, có một vài suy nghĩ về những gì đã qua và sắp tới.
1. Phụ nữ Việt Nam có bề dày truyền thống vẻ vang, có rất nhiều phẩm chất đáng quý, thời nào cũng có những nữ anh hùng mà tên tuổi không chỉ đi vào lịch sử dân tộc mà cả thơ ca, nhạc, họa... Bác Hồ kính yêu đã có lời khen ngợi cũng là lời dặn dò, trao truyền cho các thế hệ: “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có nhiều chủ trương, chính sách, việc làm quan tâm, chăm lo, động viên, ủng hộ để các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống, giữ gìn phẩm chất làm tốt vai trò, trách nhiệm trong xã hội và gia đình.

Đảng ta đã khẳng định quan điểm “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới là 1 trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”; đồng thời Đảng đã chỉ rõ “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.

Năm năm qua, phụ nữ cả nước đã nỗ lực phấn đấu đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, chăm lo xây dựng gia đình. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các tầng lớp phụ nữ đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của đất nước, của Hội, của các ngành địa phương, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần, địa vị của phụ nữ được cải thiện và nâng cao hơn. Sự tiến bộ và trưởng thành của phụ nữ, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đạt kết quả rõ nét. Số lượng nữ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, là giáo sư, phó giáo sư; thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú tăng so nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ cấp ủy, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân cơ bản cao hơn nhiệm kỳ trước. Đặc biệt lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và nữ Chủ tịch Quốc hội.

 Cử tri Hà Nội theo dõi danh sách các ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh minh họa

Đại diện cho quyền và lợi ích của phụ nữ, với vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rất tự hào đã đóng góp vào thành tích chung của phong trào phụ nữ. Hội đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ. Nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tham mưu, đề xuất được một số chính sách chăm lo cho phụ nữ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, giám sát và phản biện xã hội. Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp, văn kiện Đại hội Đảng các cấp, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, đóng góp vào thành công chung của các sự kiện chính trị to lớn của đất nước.

2. Dù rất phấn khởi với những thành tích của phong trào phụ nữ nhưng tôi tin khi đọc những con số dưới đây, những cán bộ Hội ít ai không cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Đó là nguồn nhân lực nữ có trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp. Chỉ có 17,8% lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo, thấp hơn nhiều so với lao động nam, khu vực nông thôn chỉ đạt 10,79%. Về chất lượng công việc, số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, lao động tự làm và lao động gia đình, nữ chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn nam (63,8% so với 52%). Ngược lại, trong tổng số người làm công ăn lương trong lĩnh vực phi nông nghiệp thì nam chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều (56,9% so với 43,1%). Thu nhập bình quân của lao động nữ chỉ bằng hơn 80% lao động nam. Tình trạng di cư ra thành phố để lại các gia đình chỉ có ông bà và các cháu. Các hộ gia đình có trẻ em thì tỷ lệ nghèo cao hơn so với bình quân chung toàn quốc. Nghèo đói dễ dẫn đến suy dinh dưỡng và tất yếu tác động tiêu cực đến sự phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp vẫn loanh quanh ở con số 25% - 26% mà hầu hết là quy mô nhỏ. Tỷ lệ kết hôn sớm trong người dân tộc thiểu số là khoảng 25%, thậm chí có dân tộc lên tới 50% - 60%. Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất trong đó có tới 20% ở tuổi vị thành niên. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết có tới 43% nữ công nhân sẵn sàng sống chung trước hôn nhân. Điều tra năm 2010 cho thấy, có tới 58% phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bạo lực gia đình. Đáng lo là hầu hết không tìm đến sự hỗ trợ. Mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em (đa số là trẻ em gái) được khai báo và phát hiện. Số liệu của Bộ Công an cho biết, hàng năm có tới 15.000 - 17.000 trẻ em vi phạm pháp luật phải xử phạt hành chính hoặc hình sự. Nhiều nhiệm kỳ, con số 30% nữ Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân vẫn chỉ dừng lại ở văn bản. Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp thứ 42/128 nước vào năm 2007 nhưng sau 7 năm nỗ lực thì lại rơi xuống thứ 76/142 nước.

Hệ lụy của những vấn đề nêu trên là rất lớn. Đó cũng là lực cản đối với sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ Việt Nam.

3. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, các tầng lớp phụ nữ, tổ chức Hội cần đầu tư, suy nghĩ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hoạt động góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên.

Theo tôi, Hội nên chọn vấn đề ưu tiên là nâng trình độ tay nghề cho lực lượng lao động nữ.

Cần thống nhất nhận thức chung coi việc hỗ trợ, vận động phụ nữ nâng cao trình độ nghề nghiệp là nhiệm vụ, nội dung hoạt động trọng tâm, xuyên suốt của Hội trong thời kỳ hội nhập, trong trào lưu sáng tạo khởi nghiệp rất sôi động của cả nước mà lực lượng lao động nữ với 48,79% không thể đứng ngoài cuộc. Lao động có kỹ năng là tiền đề quan trọng để có việc làm, thu nhập ổn định. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa quyết định sự tiến bộ, bình đẳng, phát triển của phụ nữ cả trong xã hội và gia đình, là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ. Chính vì vậy mà tổ chức Hội phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, tập trung hơn.

Trước hết, Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phụ nữ nhận thức cho được sự cần thiết phải tham gia học nghề. Cách vận động tốt nhất là bằng hình thức nêu gương, người thật, việc thật.

 Đào tạo nghề may cho chị em. Ảnh minh họa

Hội cần tiến hành rà soát các qui định của luật pháp, chính sách, chương trình, nếu phát hiện “khoảng trống” cần tiến hành nghiên cứu để có cơ sở tìm nguồn lực tập trung hoạt động đào tạo nghề. Ưu tiên những phụ nữ nghèo đang vay vốn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (nơi có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất).

Tập trung vận động nhóm lao động gia đình, lao động tự làm là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhưng công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại bảo hiểm nào. Khuyến khích các thành viên tổ liên kết, tổ hợp tác, nhóm tín dụng, tiết kiệm tham gia các nhóm đào tạo tại các trung tâm dạy nghề. Để đảm bảo thoát nghèo bền vững, Hội cần tiếp tục đề xuất với Chính phủ, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nghề cho những phụ nữ nghèo đang vay vốn của Ngân hàng CSXH; đưa nghề kinh doanh vào danh mục đào tạo nghề. Hội cần dành nguồn lực có sẵn, vận động các doanh nghiệp lớn để tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cho phụ nữ (việc này Hội đã từng làm), phối hợp với các tổ chức thành viên, đặc biệt Hội Nữ doanh nhân, để đào tạo có địa chỉ những phụ nữ có ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp; chỉ đạo các cơ sở dạy nghề phải đổi mới cả nội dung và cách thức tổ chức hoạt động, tạo sự khác biệt và để chị em dễ dàng tiếp cận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm