Mùa nguy hiểm với trẻ hen suyễn

04/02/2016 - 05:00
Thời tiết chuyển lạnh là thời điểm rất nguy hiểm với trẻ bị bệnh hen suyễn, nếu bé không được chăm sóc, xử trí đúng cách và kịp thời.

Từ lúc 2,5 tháng tuổi, con trai Hoàng Phúc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (44 tuổi, TP. HCM) xuất hiện các triệu chứng khò khè, ho. Sau khi khám và được kết luận con bị hen suyễn, chị Hường đã trở thành “bác sĩ tại gia”. Chị nhớ như in từng loại thuốc, biết rõ những loại thuốc kháng sinh giúp giãn khí quản, cắt cơn hen và cả những loại thuốc xịt giúp con chị có thể thở dễ dàng. “Khi người ta bị buộc vào tình thế không có gì để bám víu, cách duy nhất là tự tìm hiểu để tự ứng cứu. Nhiều khi bác sĩ không tiên lượng được tình trạng của con sẽ như thế nào, nhưng tôi thì hiểu rõ từng chi tiết, tôi biết khi nào bé sẽ lên cơn và cần làm gì để giảm cơn cho bé, giữ nhà cửa sạch sẽ và đồ dùng như thế nào để chúng không trở thành tác nhân gây lên cơn suyễn cho con…”, chị Hường khoe. Cứ một tháng rưỡi, chị Hường lại đưa con đi tái khám một lần, mỗi tối chị cho bé uống 1 viên thuốc cắt cơn và xịt thuốc trước khi đi ngủ. Vì vậy, triệu chứng khò khè, ho, khó thở… đã cải thiện rõ rệt, những cơn suyễn cũng thưa dần.

 Chị Hường luôn chăm sóc con cẩn thận khi thời tiết chuyển lạnh.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm, thời tiết Sài Gòn thay đổi thất thường, đặc biệt, có những ngày nhiệt độ xuống thấp khiến con trai chị Hường lại rơi vào những cơn suyễn. “Mùa lạnh là thời điểm khó khăn đối với người bị suyễn, với trẻ nhỏ như con trai tôi thì càng nguy hiểm. Vì vậy, phương án tối ưu là hạn chế đưa bé ra ngoài, giữ ấm và liên tục theo dõi để có thể xử trí kịp thời nếu bé bị lên cơn”, chị Hường cho biết.

Chị Hường hạn chế đưa con đi du lịch tại các vùng thời tiết lạnh để kiểm soát bệnh hen suyễn. 

Chia sẻ về việc chăm sóc trẻ bị hen suyễn trong mùa lạnh, BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp, BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, khi bước vào mùa lạnh trẻ bị hen suyễn dễ lên cơn do ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi thời tiết, là yếu tố kích thích đường thở trực tiếp. Ngoài ra, bé dễ dàng lên cơn suyễn do nhiễm khuẩn đường hô hấp. Chỉ cần bị cảm, ho thông thường bé cũng dễ bị lên cơn suyễn.

Cũng theo BS Tuấn, đối với những bé bị hen suyễn, vào mùa lạnh, nên chủng ngừa một số trường hợp gây bệnh đường hô hấp như cúm hoặc chủng ngừa vaccine chống vi khuẩn phế cầu, bảo vệ bé bị suyễn trong thời gian này. Đặc biệt, trong ngày lạnh, nếu bé đang được điều trị bằng các loại thuốc suyễn thì phụ huynh nhất thiết không được giảm liều hoặc ngưng thuốc, nhất là trong bối cảnh gia đình chuẩn bị đi xa đón tết.

“Nếu dự định đi du lịch xa ở những vùng lạnh, phụ huynh nên đưa bé đi khám lại BS để được tư vấn và đánh giá tình trạng suyễn của bé có đang được kiểm soát tốt hay không cũng như tư vấn các phương pháp phòng ngừa khi đưa bé đi du lịch tại các vùng lạnh. Ngoài ra, phụ huynh cần tìm hiểu rõ cách xử trí khi bé lên cơn và nếu lên cơn thì cần phải đến cơ sở y tế nào tại địa phương đó. Đối với các cháu bị suyễn thường xuyên bị lên cơn khi bị cảm lạnh, phụ huynh nên đưa bé đi khám tại các phòng khám chuyên khoa về suyễn, BS sẽ có chỉ định cho bé dùng thuốc phòng ngừa để bảo vệ ngắn ngày cho bé khi đi du lịch”, BS Tuấn khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm