Mục tiêu giảm nghèo cần có số liệu phân tách giới, làm cơ sở đảm bảo lồng ghép giới

Nhật Lam
23/07/2021 - 18:18
Mục tiêu giảm nghèo cần có số liệu phân tách giới, làm cơ sở đảm bảo lồng ghép giới
Cơ quan thẩm tra Quốc hội cho rằng, mục tiêu giảm hộ nghèo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 – 2025 chưa có số liệu phân tách về giới để làm cơ sở đánh giá kết quả việc lồng ghép giới trong Chương trình, do đó cần bổ sung nội dung này.

Chiều 23/7, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 – 2025.

Theo đó, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình và thống nhất với tên gọi của Chương trình. Hồ sơ Chương trình cơ bản bảo đảm đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, một số mục tiêu cụ thể đặt ra liên quan đến giảm số hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo bà Thúy Anh là khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể do hiện nay chưa có số liệu về hộ nghè, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

"Ủy ban đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu" – bà Thúy Anh nói.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các số liệu theo hướng định lượng được kết quả thực hiện (vì 7/8 mục tiêu cụ thể chưa định lượng được), đồng thời bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể, đảm bảo không trùng lắm giữa các chỉ tiêu, bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu "Phấn đấu giảm 1/2 số hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia".

Đặc biệt, các mục tiêu, chỉ tiêu cần có số liệu phân tách giới để có cơ sở đánh giá kết quả việc lồng ghép giới trong Chương trình.  

Mục tiêu giảm nghèo cần có số liệu phân tách giới, làm cơ sở đảm bảo lồng ghép giới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy anh báo cáo thẩm tra chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 -2025 của Chính phủ, chiều 23/7. Ảnh: Quochoi.vn

Đề cập đến các dự án thành phần của Chương trình, trong đó có dự án về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nội dung giám sát, đánh giá cần thể hiện kết quả thực hiện các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các chiều nghèo thiếu hụt, quan tâm đến bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Chương trình cần điều chỉnh lại các hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu theo hướng tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung của ngành, làm cơ sở để kết nối với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc giám sát, đánh giá cần có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, tổ tự quản, cộng đồng và người dân.

Về dự án thông và giảm nghèo về thông tin, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh nhưng nếu rơi vào các thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ internet băng thông rộng cố định hoặc không bảo đảm được chi phí sử dụng dịch vụ thì khắc phục thế nào? 

Liên quan đến dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, Ủy ban thống nhất với dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Trung uơng, đồng thời đề nghị Chính phủ:

(1) Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, cần khẩn trương rà soát không sử dụng vốn của Chương trình để chi các hoạt động có tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc chế độ, chính sách cho đối tượng đã được quy định tại pháp luật có liên quan.

(2) Bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún; phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

(3) Bảo đảm tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách trung ương trong năm 2021 cho Chương trình là 7.000 tỷ đồng để tránh gián đoạn, giảm hiệu quả thực hiện Chương trình. Cân nhắc việc bố trí tỷ trọng vốn lớn vào năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn.

(4) Không nên huy động ngân sách địa phương quá lớn khi hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn thu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ có kế hoạch bổ sung nguồn vốn cần đầu tư thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng của Chương trình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm