Muốn phát hiện chất cấm, phải thanh tra đột xuất

04/04/2016 - 16:00
Tất cả những cuộc thanh tra theo kế hoạch, chưa một lần nào phát hiện được doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Muốn phát hiện chất cấm phải tổ chức thanh tra đột xuất, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 46/63 tỉnh thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) cùng chi cục thú y và các cơ quan khác đã tổ chức kiểm tra 129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm. Đồng thời phát hiện 12/649 mẫu TĂCN dương tính với Salbutamol; 69/2016 mẫu nước tiểu, 1/172 mẫu thịt có sử dụng Salbutamol....

Tại hội nghị tổng kết thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Nai, chia sẻ: Tại Đồng Nai, trong thời gian đầu, lực lượng kiểm tra Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với các địa phương, chưa có phối hợp với công an thì các đối tượng kiểm tra có sử dụng chất cấm chống đối quyết liệt, họ xua đuổi không cho lấy mẫu. Sau khi có sự phối hợp với công an thì các đối dùng mọi thủ đoạn né tránh. Một số chủ trại heo khi bị phát hiện chất cấm đã lén lún bán đàn, mua đàn khác về thay thế.... “Để thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi có hiệu quả phải tiến hành đột xuất, không nên thực hiện theo kế hoạch. Vì theo kế hoạch bắt buộc phải thông báo trước cho đối tượng kiểm tra biết, lúc đó họ sẽ tìm cách đối phó. Thành phần của đoàn thanh, kiểm tra nhất thiết phải có lực lượng công an và địa phương tham gia phối hợp”, ông Bằng cho biết. 

 

Mẫu chất cấm vàng ô được phát hiện tại Hải Dương sau lần thanh tra đột xuất.

Trong năm 2015, các địa phương đã triển khai nhiều đoàn thanh tra chất cấm trong chăn nuôi, nhưng chỉ có những cuộc thanh tra đột xuất mới "bắt" được đơn vị, doanh nghiệp sử dụng chất cấm. Cùng quan điểm với ông Bằng, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2015 có nhiều lô gia súc từ các tỉnh về TP.HCM qua kiểm tra có tồn dư chất cấm như: Đồng Nai có 16 lô, Tiền Giang 7 lô, Long An 4 lô… Riêng 2 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã kiểm tra 451 lô heo từ các tỉnh về phát hiện 37 lô nhiễm chất Beta-agonist. Trong quá trình thanh, kiểm tra phải thông báo trước nên đối tượng tìm nhiều biện pháp đối phó, né tránh. Đồng thời họ cho người nắm thông tin của đoàn kiểm tra nên không đưa heo về cơ sở giết mổ mà chuyển sang cơ sở giết mổ khác. Do đó, TP Hồ Chí Minh thành lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất để tăng hiệu quả. 

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra các đơn vị vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.


“Thanh tra Bộ cùng với C46, C49 và A86, Bộ Công an có những chương trình phối hợp đánh mạnh vào vàng ô, Salbutamol nên mới có sự chuyển biến. Tôi nghĩ rằng bài học phối hợp này không chỉ duy trì ở trung ương mà còn chính cho các địa phương”, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm