Muốn săn học bổng cao, cần nhiều trải nghiệm

12/04/2016 - 00:08
Để thành công giành học bổng vào các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, điểm cao không phải là yếu tố quyết định.
du-hoc.jpg
Để chinh phục được các trường đại học Mỹ, cần có... "chiến thuật" - Ảnh minh họa. Nguồn: internet. 
Điểm số không cần quá cao

Vừa apply thành công vào ĐH Yale, Lê Tấn Phát (lớp 12 Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cho rằng: Để thuyết phục được các trường ĐH danh tiếng, không nhất thiết phải đạt được điểm số quá cao. Bản thân Phát cũng chỉ được 2280 điểm SAT. SAT là điểm bắt buộc với sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế khi muốn học cử nhân tại Mỹ. Điểm tối đa của SAT là 2.400 điểm và điểm đạt là từ 1.500 điểm trở lên.

“Không cần phải cố gắng để được trên 2300. Việc có được điểm số quá cao không quá quan trọng. Tuy nhiên, điểm các kỳ thi chuẩn hóa là một “ngưỡng” để các nhà tuyển sinh nhìn vào vì vậy cũng nên đạt được một số điểm an toàn để họ thấy rằng mình không quá kém. Nhưng các bạn phải cố gắng để ghi điểm ở phần bài luận và hoạt động”, Phát nói. 

Sắp trở thành tân sinh viên của ĐH Harvard, nhưng ban đầu vốn tiếng Anh của Tôn Hiền Anh (lớp 12 Trung, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) cũng không quá giỏi và cô cũng từng rất lo về bài thi SAT. Tuy nhiên, với quyết tâm học từ 100 - 150 từ mới/ngày, sau 2 tháng điểm SAT của Hiền Anh lên được 400 điểm và đạt được 2280.

“Mình học bằng phương pháp Flashcard. Từ những tờ giấy trắng, viết một mặt là tiếng Anh, mặt sau là nghĩa tiếng Việt cộng thêm một ví dụ để biết từ đó được sử dụng trong hoàn cảnh nào. Sau đấy cứ lật đi lật lại những từ giấy đó để học. Mình nghĩ học SAT bằng Flashcard là phương pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để học từ mới ở bất kỳ mọi nơi, thậm chí là cả trong nhà vệ sinh”, Hiền Anh chia sẻ.

Đạt được tới 2360 điểm SAT, Nguyễn Tường Uyên (lớp 12 Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) sắp là tân sinh viên Đại học Pennsylvania. Uyên chia sẻ: “Nhiều bạn gặp vấn đề về phần đọc của SAT. Một phần vì chúng ta không phải là người bản địa nên khó có thể tiếp thu nhanh và chuẩn. Tuy nhiên chúng ta có thể giải quyết bằng cách chủ động đọc nhiều sách tiếng Anh, những tác phẩm kinh điển thì có thể cải thiện được một cách đáng kể.

Theo Uyên điểm số trên lớp cũng rất quan trọng bởi điểm SAT chỉ là qua 1 hoặc 2 lần thi nhưng điểm trên lớp lại thể hiện một quá trình cố gắng. “Những người tuyển sinh sẽ không chỉ nhìn vào điểm trung bình cuối cùng mà sẽ nhìn chung tất cả các môn. Vì vậy không cần phải môn nào cũng có điểm cao nhưng đừng để môn nào đó thấp quá. Vì vậy không nên có suy nghĩ cứ tập trung học tiếng Anh nhiều mà bỏ qua những môn học khác trên lớp. Bởi kết quả các môn học khập khiễng sẽ là điểm bất lợi".
hoc-bong.jpg
Trải nghiệm thực tế là điểm cộng cho hồ sơ của bạn - Ảnh minh họa internet.
Cần nhiều trải nghiệm thực tế

Ngoài điểm số thì theo Phát, việc thể hiện được con người mình qua bộ hồ sơ là hết sức quan trọng. “Phần con người sẽ được quyết định qua phần ngoại khóa và bài luận song không phải cứ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa là tốt. Bộ phận lớn học sinh hiện nay cố gắng tham gia càng nhiều hoạt động càng tốt, mong để kiếm những giấy chứng nhận tham gia hoạt động để điển được đủ danh sách trong hồ sơ. Mình nghĩ rằng ngoài “nhiều”, những nhà tuyển sinh cũng cần thấy tính “sâu” ở từng hoạt động. Cần phải biết hoạt động ngoại khóa nhằm mục đích gì, và những hoạt động tham gia phải có những điểm chung. Đặc biệt trong những hoạt động đó, phải cố gắng làm sao để cống hiến được càng nhiều càng tốt chứ không phải tham gia chỉ để lấy... chứng nhận”, Phát chia sẻ.

Phát cho rằng, chính sự "tham gia 100%" đó sẽ được các nhà tuyển sinh nhìn ra được qua những bài luận. “Bởi cách mình tham gia vào từng hoạt động sẽ được phản ánh rõ ràng trong cách mình viết, và chỉ khi chúng ta đi sâu đi sát thì mới viết được chân thực, cụ thể. Khi viết bài luận không nhất thiết viết về hoạt động ngoại khóa mình từng tham gia mà những trải nghiệm, những xử lý công việc đều thể hiện con người bạn. Ý tưởng bài luận có thể viết về những gì gần gũi với bản thân nhất. Không cần thể hiện hay tỏ ra mình là một người tuyệt vời. Mình nghĩ những người tuyển sinh muốn chúng ta biết nhận thức về bản thân, biết mình tốt ở điểm nào, hạn chế ra sao, có những giá trị gì và điều đó rất quan trọng”, Phát nói.

Hiền Anh cho rằng, để thỏa ước mơ chinh phục các trường ĐH trên thế giới các bạn trẻ rất cần thêm tính kiên trì và quyết tâm. “Về bài luận, có những lúc mình không biết viết gì mặc dù đã cố gắng cảm nhận, suy nghĩ rất nhiều. Thậm chí có những lúc ngồi liền 7 tiếng trên bàn học mà không viết được gì”. Ngay cả khi đã có ý tưởng cho bài luận, Hiền Anh còn phải viết 15-16 bản nháp. Vì thế, theo Hiền Anh, mỗi tối trước khi đi ngủ hãy nhìn lại bản thân đã làm những gì và cố gắng tìm ra xem mình có điểm gì đặc biệt. Từ đó biến những câu chuyện của bản thân có sức ảnh hưởng đến cộng đồng thành ý tưởng cho bài luận của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm