Muốn trẻ nói được sau cấy ốc tai điện tử, cha mẹ phải đồng hành

12/08/2017 - 06:50
Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, không phải trẻ được cấy ốc tai điện tử là có thể nói được ngay mà phải trải qua huấn luyện của các chuyên gia ngôn ngữ trị liệu. Phải 2-3 năm sau khi cấy thì trẻ mới nói được.
Trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng 1, bé Quỳnh Như (18 tháng tuổi, quê Tây Ninh) đang chơi đùa với ba và bà ngoại. Gia đình cho biết, Như được phát hiện ra bị điếc lúc 11 tháng tuổi. Từ đó đến nay, gia đình đã đưa cháu đi thăm khám và mới đây cháu đã được chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử vào tuần sau.

“Gia đình mong sao cho cháu có thể nghe nói được bình thường. Để có thể vui chơi, đi học như các bạn cùng trang lứa”, bà ngoại của Như chia sẻ.

BS CK1 Phạm Đoàn Tấn Tài, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 300-400 bệnh nhi bị tình trạng nghe kém.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành trên 400 bệnh nhi có tình trạng nghe kém được thực hiện từ năm 2012-2017 cho thấy, độ tuổi các cháu được chẩn đoán nghe kém là 4, 5 tuổi. 100%  trẻ đưa đến bệnh viện thăm khám về nghe kém là do cha mẹ đưa đi chứ không phải từ các cơ sở y tế chuyển tới. Bên cạnh đó, trẻ sinh đủ tháng cũng bị nghe kém chứ không phải riêng trẻ sinh thiếu tháng mới bị.
dsc_3496.JPG
Một bé gái sắp được cấy ốc tai điện tử 
Cũng theo BS Phạm Đoàn Tấn Tài, khi tiếp nhận bệnh nhi nghe kém, các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp xác định ngưỡng nghe để xem tình trạng nghe kém ở trẻ. Sau khi đã xác định được trẻ bị nghe kém ở mức độ nào thì các bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Nếu tình trạng nghe kém của trẻ bị ở mức độ nhẹ, nghĩa là vẫn học tập, giao tiếp tốt thì không cần các thiết bị hỗ trợ. Nếu nặng hơn thì phải sử dụng máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử.

Chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ phải dựa trên cơ sở các kết quả kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện đảm bảo và quan trọng hơn nữa là ý chí, nguyện vọng của gia đình.

BS CK2 Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, sau khi cấy ốc tai điện tử thì trẻ phải có thời gian học thì có thể nghe nói được. Ít nhất phải mất khoảng 2-3 năm từ sau khi cấy ốc tai điện tử, qua khóa học của các nhà ngôn ngữ trị liệu thì trẻ mới có thể nói được.

“Đặc biệt, để trẻ có thể nghe nói được sau khi cấy ốc tai điện tử thì phải có sự đồng hành của gia đình. Cha mẹ phải tương tác,chia sẻ nhiều với con. Tính đến nay thì bệnh viện đã tiến hành cấy ốc tai điện tử cho hơn 40 ca bệnh”, BS Như chia sẻ.

Cũng theo BS Nguyễn Tuấn Như, hoàn toàn không có chuyện sau khi cấy ốc tai điện tử một thời gian, khi tháo ra thì trẻ vẫn có thể nghe nói được bình thường.

Bệnh lý nghe kém bẩm sinh là bệnh tàn tật đứng hàng đầu mà trẻ mới sinh ra mắc phải. Để giải quyết tình trạng nghe kém ở trẻ thì cấy ốc tai điện tử được xem là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên do chi phí cao (khoảng hơn 500 triệu đồng) nên số trẻ được tiếp cận rất thấp.
dsc_3490.JPG BS CK2 Nguyễn Tuấn Như cho biết, sau khi cấy ốc tai điện tử thì trẻ phải trải qua một quá trình huấn luyện và cần sự quan tâm chia sẻ của gia đình thì trẻ mới nghe nói được

Số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, cứ 100 người thì có 5 người nghe kém, trong đó trẻ em chiếm 9%. Việt Nam là nước có tỷ lệ nghe kém cao nhất thế giới. Trên thế giới thì việc tầm soát nghe kém được thực hiện cho tất cả trẻ sinh ra.

Ở nước ta, cho đến nay, chương trình tầm soát trẻ khiếm thính còn khá hạn chế, chỉ mới lưu tâm đến nhóm trẻ có nguy cơ cao nằm ở khoa hồi sức sau sau sinh, trẻ nhẹ cân… Việc tầm soát cho trẻ khiếm thính chưa thực sự phát triển rộng rãi ở các bệnh viện sản nhi do hạn chế về đào tạo, trang thiết bị máy móc.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm