Mỹ nhân Hà Thành đẹp nức tiếng một thời

09/10/2016 - 09:00
Ở Hà Thành ngày trước, có một người con gái sắc nước hương trời có tên là Bạch Thược. Cuộc đời bà gắn liền với thời kỳ xảy ra nhiều biến động của lịch sử nước nhà.

Bà Bạch Thược sinh năm 1935 trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội, là một trong những nhan sắc nức tiếng ở phố cổ Hà Nội thuở bấy giờ. Khi bà Bạch Thược cất tiếng khóc chào đời trong căn nhà ở phố Ngõ Trạm, Phùng Hưng, cả gia đình bà đều mong chờ một cậu quý tử để nối dõi tông đường, bởi nhà bà đã có đến 3 cô con gái. Nhưng bố mẹ của bà Bạch Thược đã không phải thất vọng, bởi khi vừa chào đời bà đã có những nét đẹp rạng rỡ.

1.jpg
 Nhan sắc xinh đẹp thuở đôi mươi của mỹ nhân Bạch Thược.

Bạch Thược là con gái thứ tư của nhà giáo Phạm Hữu Ninh, nguyên là người sáng lập ra trường tư thục đầu tiên của người Việt mang tên Thăng Long. Ngôi trường này là cái nôi cách mạng, nổi tiếng với những người thầy tài giỏi như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Nguyễn Bá Húc, Tôn Thất Bình, Phan Thanh, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Phạm Huy Thông, Nguyễn Cao Luyện... đã đào tạo ra những học trò ưu tú như Lê Quang Đạo (Chủ tịch Quốc hội), Trần Quang Huy (Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP), Đào Thiện Thi (Bộ trưởng Tài chính), Nguyễn Thọ Chân (Bộ trưởng LĐ-TB&XH)...

Lớn lên được học trường Tây và tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội, bà ngày càng chứng tỏ được sự thông tuệ của mình. Vẻ đẹp thuần khiết, mang nhiều cá tính của một cô gái Hà Nội đã khiến bao chàng trai ngày đó mê mẩn. Bạch Thược lại có năng khiếu văn nghệ, bà tham gia diễn nhiều vở kịch của trường, như Quán Thăng Long, Lý Chiêu Hoàng, nên vẻ đẹp của bà càng có dịp được tỏa sáng.

Ngay từ những năm học trường Albert Sarraut, Bạch Thược đã tích cực tham gia phong trào học sinh kháng chiến Hà Nội. Cô cùng các bạn học tuyên truyền cách mạng, in báo Nhựa sống, tổ chức bãi khóa, chống bắt lính...

Nhà Bạch Thược trở thành một căn cứ cách mạng, nơi in ấn truyền đơn và tổ chức các phong trào biểu tình chống chiến tranh. Cô bé mảnh khảnh, có dáng vẻ bề ngoài tưởng như yếu đuối đó đã từng bị bắt vào sở mật thám 6 tháng, nếu không có sự can thiệp của anh rể thì có lẽ Bạch Thược đã không thoát khỏi những ngón đòn tra tấn dã man của giặc. Trong sở mật thám đối với Bạch Thược cũng là một khoảng thời gian đáng nhớ, bởi bà ý thức được cao hơn, ý nghĩa của sự sống và khát vọng đấu tranh cho giải phóng dân tộc.

sinh-vin-phm-th-bch-thc-diu-hnh-ti-sn-vn-ng-hng-y-ngy-10-10-1954.JPG
 Sinh viên Phạm Thị Bạch Thược diễu hành tại sân vận động Hàng Đẫy ngày 10/10/1954.

Chồng của Bạch Thược, ông Vũ Sơn là người học cùng trường với chị gái Kim Thoa của bà. Ngày đó, ông rất mê bà Kim Thoa, hàng ngày vẫn đến nhà Bạch Thược chuyện trò với các cụ. Đến khi chị gái Bạch Thược quyết định kết hôn với một bác sĩ từng công tác ở Phnom Penh và thoát ly theo chồng, để lại tình yêu dở dang thì Vũ Sơn buồn chán và thất vọng vô cùng. Bố của Bạch Thược rất quý Vũ Sơn, ông động viên chàng trai này tham gia kháng chiến và hứa hẹn sẽ gả cô con gái thứ 4 cho ông.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Sơn ra đi mang theo lời hẹn ước của cụ Phạm Hữu Ninh về một người con gái. Còn lúc này, Bạch Thược lại phải lòng một chàng bác sĩ quân y cho nên trong lòng luôn đau đáu đứng trong sự giằng co giữa tình yêu và lời ước hẹn của bố.

Sau hàng tháng suy nghĩ, bà quyết định chia tay chàng bác sĩ và đến với Vũ Sơn. Chàng bác sĩ quân y khi ấy, hiểu được tâm trạng của người yêu nên chấp nhận ra đi, đã viết cho bà một bức thư rất dài và cảm động. Ông đã cao thượng hy sinh tình yêu của mình. Bạch Thược giữ kín lá thư đó trong nhiều năm trời, như một bảo vật thiêng liêng về một mối tình đầu tiên trong cuộc đời, cho đến tận ngày làm đám cưới, bà đã tự tay đốt nó thành tro.

sinh-vin-dc-khoa-phm-th-bch-thc.JPG
 Đến với hôn nhân từ lời hẹn ước của bố nhưng bà có cuộc sống bình yên đến khi về già.

Bà Bạch Thược sau đó đã có một cuộc sống bình yên bên người chồng của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học Dược năm 1959, bà về công tác tại Trường Cán bộ Y tế Trung ương, rồi được đi tu nghiệp về chuyên khoa Bào chế học tại CHXHCN Rumani. Sau đó, do chồng bà công tác trong ngành ngoại giao nên bà từng bôn ba theo chồng sang nhiều nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm