Mỹ nhân Hollywood là 'mẹ đẻ' của điện thoại di động

22/10/2016 - 20:34
Nổi tiếng là mỹ nhân tuyệt sắc trong thế kỷ XX, ít ai biết rằng, ngoài là ngôi sao của Hollywood, Hedy Lamarr còn là một nhà khoa học nổi tiếng. Với việc phát minh ra công nghệ truyền thông tần số, cô được mệnh danh là "mẹ đẻ” của điện thoại di động.

Hedy Lamarr tên thật là Hedwig Eva Maria Kiesler sinh ngày 9/11/1914 tại Vienna, Áo. Cha cô là chủ ngân hàng của người Do Thái nổi tiếng trong nước và bà nội là một nghệ sĩ dương cầm.

Xuất thân từ một gia đình nổi tiếng, Hedy Lamarr sống trong nhung lụa và được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo. Tuy nhiên, trong tâm hồn của cô gái bé nhỏ luôn tồn tại sự nổi loạn. Năm 15 tuổi, để chống lại mong muốn của cha mẹ, cô đã bắt tay với giám đốc nhà hát nổi tiếng và đến Đức lập nghiệp.

Với vẻ đẹp nổi trội của mình, năm 1931, cô bước vào Hollywwod với vai diễn đầu đời trong phim "Tiền đường phố". Bộ phim đã được đánh giá rất cao và cái tên Hedy Lamarr vụt sáng trở thành ngôi sao ăn khách nhất lúc bấy giờ.

1.jpg
 Nhan sắc quyến rũ của Hedy Lamarr

Các năm tiếp theo, một công ty Séc đã mời cô đóng phim với thù lao rất hời, cam kết sẽ phủ sóng bộ phim trên toàn thế giới với điều kiện duy nhất là cô phải khỏa thân. Hedy Lamarr đồng ý và trở thành diễn viên khỏa thân đầu tiên trên thế giới. Nhưng do sức nóng của bộ phim qua lớn, các nhà bình luận đã đưa ra rất nhiều lời chỉ trích dẫn đến bộ phim bị cấm ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, đến năm 1937, 6 năm sau khi Hedy đóng phim, cô vẫn phá vỡ kỷ lục Hollywood về vẻ đẹp quý tộc, mặn mà và số lượng người hâm mộ trên khắp thế giới. Suốt 40 năm giữa thế kỷ XX, Hedy là một hiện tượng sắc đẹp khiến rất nhiều báo đài và tạp chí tốn giấy mực. Người ta tung hô cô là "người phụ nữ đẹp nhất thế giới".

Tuy nhiên, Hedy Lamarr than phiền rằng cô luôn luôn gặp rắc rối bởi vẻ đẹp của mình. Để chứng minh mình không phải là một "bình hoa di động", Hedy đã bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học - đó là bước ngoặt trong cuộc đời cô.

Với vốn kiến thức tự tích lũy được nhờ tham gia các cuộc họp kinh doanh của chồng, cô đã học được cách kiểm soát tín hiệu vô tuyến đáng kinh ngạc. Vào thời điểm chiến tranh xảy ra, tín hiệu vô tuyến ứng dụng trong quân đội thường bị tắc nghẽn bởi đối phương. Hedy đã nhận ra rằng, việc thay đổi thường xuyên các tần số vô tuyến là để ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương.

3.jpg
 Để chứng minh mình không phải là "bình hoa di động", Hedy Lamarr đã bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và phát minh ra công nghệ truyền thông tần số

Năm 1940, Hedy cùng một người bạn của mình là nhà soạn nhạc George Antheil, đã phát minh ra một thiết bị đảo tần, và sau này họ cũng được nhận bằng sang chế của Hoa Kỳ, đó chính là công nghệ truyền thông tần số. Ngày 11/8/1942, Mỹ cấp cho họ bằng phát minh mang số hiệu 2.292.387 dành cho "Hệ thống bảo mật thông tin". Hệ thống này có 88 tần số liên tục tùy biến thay đổi, dựa trên 88 phím dương cầm.

Hedy và George Antheil quyết định tặng phát minh này cho chính phủ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã từ chối thử phát minh trên và yêu cầu được bảo mật thông tin. Chính vì vậy, trong thời điểm đó, Hedy không nhận được sự công nhận công khai nào.

Đến những năm 1950, phát minh của Hedy đã được cải tiến và sử dụng rộng rãi trong các máy tính quân sự. Kể từ đó, công nghệ này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực truyền thông, được áp dụng rộng rãi cho điện thoại di động, điện thoại không dây và nghiên cứu Internet. Công nghệ truyền thông tần số do cô phát minh về sau được ứng dụng trong công nghệ CDMA và công nghệ 3G.

Năm 1997, khi công nghệ thông tin liên lạc dựa trên phát minh của Hedy Lamarr bắt đầu bước vào đời sống, cộng đồng khoa học đã nhớ đến cô.

Hedy năm đó 83 tuổi, được trao tặng danh hiệu " Electronic Frontier Foundation" của giải thưởng Pioneer. Tuy nhiên đến thời điểm này, bằng sáng chế đã hết hạn nên giải thưởng cũng không mang lại quyền lợi cho cô trong cuộc sống. Mặc dù vậy, cho đến ngày hôm nay, với phát minh của cô từ gần một thế kỷ trước, nhiều người vẫn khẳng định rằng, đó là tiền đề cho những phát minh lớn sau này. Có thể nói, Hedy Lamarr là "mẹ đẻ" của điện thoại di dộng, những đóng góp của cô cho khoa học thế giới là những điều không phải ai cũng làm được.

4.jpg
 Phát minh của cô sau này được ứng dụng rộng rãi trong trong lĩnh vực truyền thông

Ngày 19/1/2000, Hedy Lamarr trút hơi thở cuối cùng trong căn hộ của mình ở Florida. Nhiều năm sau ngày Hedy qua đời, thế giới vẫn truyền nhau về những giai thoại của cô, về cuộc đời của một người phụ nữ tài sắc trong thế kỷ XX.

Năm 2006, Châu Âu đã kêu gọi lấy ngày 9/11 - ngày sinh của Hedy Lamarr, làm “Ngày của các nhà phát minh”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm