Việc mời thợ nails về làm tại nhà khá đơn giản. Phần lớn các tiệm đều có thợ sẵn sàng đi làm tại nhà nếu có yêu cầu. Ngoài ra, còn có một đội ngũ “thợ nails tự do” không thuộc tiệm nào, chuyên đi làm dạo. Tuy nhiên, rất khó kiểm chứng trình độ tay nghề cũng như chất lượng các loại thuốc, sơn có đảm bảo an toàn hay không, nên tránh mời thợ tự do.
Tốt nhất bạn nên mời thợ tại những tiệm đã quen thuộc, chọn người thợ có kinh nghiệm, làm cẩn thận. Ngoài những loại hóa chất, thuốc “đặc chủng” mà ở nhà không có, bạn nên yêu cầu sử dụng kềm bấm, chậu ngâm, bông, acetone, sơn… của mình. Với những loại thuốc, hóa chất mang từ tiệm, bạn hãy yêu cầu lấy những loại chất lượng tốt, không chứa độc tố.
Khi thợ đến làm tại nhà, bạn nên thu xếp một khoảng không gian riêng để làm cho đỡ vướng víu. Hơn nữa, mùi hóa chất và sơn móng tay rất khó chịu, nếu có em bé thì nên di chuyển bé tới chỗ khác, đến khi những mùi này bay hết thì hãy đưa bé trở về.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên yêu cầu sử dụng kềm bấm, chậu ngâm, bông, acetone, sơn… của mình. Ảnh minh họa.
Về quy trình làm móng, trước hết tay chân bạn sẽ được ngâm rửa vệ sinh và làm mềm móng trong khoảng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ. Tiếp đến là phần chăm sóc và tạo dáng cho móng. Sau đó người thợ dùng kềm, giũa cắt tỉa móng và tạo dáng cho móng. Tùy theo hình dạng của móng tay mà chọn kiểu móng, màu sắc đậm - nhạt phù hợp. Những biểu tượng, hoa văn theo mùa hoặc không khí lễ hội luôn được giới trẻ yêu thích.
Tính chuyên nghiệp và lành nghề của người thợ nails thể hiện trong từng bước, từ vệ sinh móng đến sơn móng. Trong mỗi động tác, người thợ đều phải hết sức nhẹ nhàng và chính xác cao. Nghề làm nails đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Bên cạnh đó, đọc được cảm xúc của khách cũng là cách tạo sự thoải mái trong công việc. Chính vì đối diện với khách hàng nhiều nên gợi mở câu chuyện giữa người thợ làm nails và khách là điều rất quan trọng. Đôi khi khách quen không chỉ có nhu cầu làm đẹp móng mà còn muốn tìm người thợ để chia sẻ.
Sau khi hoàn thành, bạn cần biết cách chăm sóc móng, bởi việc này thật ra không đơn giản chút nào. Nhất là những người đã gắn móng tay giả, vẽ, đắp bột lên móng. Tránh để móng tiếp xúc trực tiếp với xà bông giặt, nước rửa chén hoặc các chất tẩy rửa khác. Đặc biệt, không nên chăm sóc móng thường xuyên vì dễ làm tổn thương vùng da quanh móng, khoảng 15 ngày làm nails 1 lần là thích hợp.
Địa chỉ cho bạn * Tại TPHCM - Thu Quyên, số 88/2 Ngô Gia Tự, P.9, Q.10, ĐT: 0902.522840. - Trung tâm đào tạo và chăm sóc sắc đẹp Angel, số 83 Nguyễn Thái Bình, P.4, Q.Tân Bình, ĐT: 08.39483485. * Tại Hà Nội - Nail Bông, ngõ 252 Bà Triệu, Q.Hai Bà Trưng, ĐT: 0978.554653. - Korean shop, số 21 ngõ 16, phố Chương Dương Độ, Q.Hoàn Kiếm, ĐT: 0129.6903351 (Trà My). * Giá tham khảo - Sơn sửa móng tay hoặc chân, giá 60.000 đồng/bộ. - Sơn sửa cả móng tay và chân, giá 120.000 đồng. - Vẽ móng giá 60.000 đồng/bộ. - Massage và tẩy da chết tay hoặc chân, giá 50.000 đồng. - Cạo gót và chăm sóc da tay hoặc chân, giá 50.000 đồng. - Làm móng gel/bột, giá 300.000 đồng/bộ. |