Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này đã triển khai tăng 71% các đoàn thanh tra so với kế hoạch. Các đoàn thanh tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất xử lý cải thạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, công bố chất lượng phân bón.
Cũng trong năm 2015, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi 11 tỉ 500 triệu đồng, tăng 40% so với năm 2014. Đặc biệt, qua quá trình thanh tra đã có 3 viên chức bị đề nghị xử lý “buộc thôi việc” do có sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong chứng nhận hợp quy phân bón….
Năm 2016 sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ, công tác thanh tra chuyên ngành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các cuộc thanh tra chuyên ngành trước đây thường thanh tra theo kế hoạch nay chuyển sang chủ yếu thanh tra đột xuất. Xác định rõ đối tượng thanh tra trọng tâm, các đoàn thanh tra chuyên ngành đã có sự phối hợp với lực lượng công an như: Cục An ninh kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường để phát huy thế mạnh của các bên, từ khâu trinh sát, triển khai đến xử lý vi phạm.
Các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng sẽ bị xử phạt nặng
Năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả. Sẽ tổ chức các đoàn thanh tra để xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng kháng sinh cấm theo hình thức thanh tra đột xuất. Tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, chất cải tạo môi trường cấm để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Tập trung vào các tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy…
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), đến nay cơ qu8an này đã thu thập được thông tin về trên 40 tổ chức, cá nhân là các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu, nghi vấn vi phạm sử dụng chất cấm.