pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nấm da chân vào mùa mưa: Hiểu để phòng tránh đúng cách
Bệnh nấm da chân vào mùa mưa có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Với điều kiện khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều, đi giày ẩm hoặc chật bí, người hay ra mồ hôi chân hay người có hệ miễn dịch kém.
Loại nấm gây ra nấm da chân gọi tên là Trichophyton rubrum hoặc nấm Candida (kẽ ngón).
1. Dấu hiệu nhận biết nấm da chân
Nấm da chân
Một người bị nấm da chân có dấu hiệu phổ biến nhất là da chân bị bong vảy màu trắng, vùng da nhiễm nấm có màu đỏ. Tùy từng trường hợp mà vảy có thể bong theo từng đám nhỏ hoặc lan rộng ra cả bàn chân. Một số ca nấm da chân khác có xuất hiện mụn nước dạng nhỏ.
Ngoài việc bị ngứa ngáy thì có thể có cảm giác đau nhẹ.
Nấm mu bàn chân
Nấm mu bàn chân gọi là nhiễm nấm thân. Mu bàn chân hình thành các mảng da vòng cung hoặc tròn có màu đỏ với kích thước từ 1-5mm. Sau đó hình thành các mảng vẩy ngứa cực kì khó chịu. Các mảng đó có bờ rõ, cao và có mụn li ti bên trong.
Nấm lòng bàn chân
Nấm da chân ở bàn chân thường vẫn là các mảng da đỏ tuy nhiên có sự rõ ràng giữa phần da lành và da bị nấm.
2. Biến chứng nấm da chân
Viêm kẽ ngón chân
Với trường hợp bị viêm kẽ bàn chân thì kẽ ngón chân số 3,4,5 hay ở các kẽ khít nhau bị viêm, có dịch tiết ra và có mủ kèm vảy trắng. Đây là dấu hiệu của việc bị nấm da chân nặng.
Nấm da bong nước
Đây là một loại nấm thường có ở mua bàn chân hoặc ở lòng bàn chân bị nấm. Những nốt mụn nước này vừa gây đau, vừa gây ngứa.
Mụn mủ
Nấm da chân xuất hiện mụn mủ được coi là tình trạng nghiêm trọng. Nếu các vết mụn có mủ, loét, dày sừng và gây ra đau đớn thì cần điều trị triệt để ngay. Mụn mủ xuất hiện phổ biến ở giữa những ngón chân, tuy nhiên có thể là lòng bàn chân hoặc cả bàn chân.
Loét bàn chân
Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường hay người có hệ miễn dịch kém. Loại tổn thương này thường là nhiễm nấm và nhiễm vi khuẩn kết hợp.
Nhìn chung, kể cả với biểu hiện bất thường nào của da chân, nhất là vào mùa mưa hay điều kiện ẩm thấp bạn cũng nên thăm khám sớm do nấm da chân có thể ảnh hưởng nhiều tới cả sức khỏe và cả tinh thần người bệnh.
Nhiều người gặp các cơn đau buốt rát liên tục mỗi khi di chuyển. Nếu như không điều trị dứt điểm, nấm da chân có thể lan ra gây nấm móng chân.
3. Chăm sóc người bị nấm da chân như thế nào?
Điều quan trọng đầu tiên chính là cố gắng hết mức có thể sao cho bàn chân được khô ráo, giúp loại bỏ môi trường cho nấm sản sinh. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn không được rửa chân. Bạn vẫn cần vệ sinh chân sạch sẽ, sau đó dùng khăn mềm, khô thấm lại. Lưu ý, người bị nấm da bàn chân không nên dùng chung khăn lau với người lành.
Khi di chuyển, cần đeo tất chân được làm bằng sợi bông hay sợi len. Chú ý thay tất 1-2 lần một ngày. Điều này giúp bạn di chuyển bớt đau hơn cũng giúp chân không bị ẩm bí. Hạn chế đi giày, thay vào đó nên đi dép.
Cuối cùng, nếu bị nấm da bàn chân thì cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp y tế sớm. Tùy trường hợp và tình trạng bệnh mà người bị nấm da bàn chân có thể được chỉ định dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống. Thuốc bôi có thể là kem chống nấm.
Chú ý nếu bôi kem sau 2 tuần mà không cải thiện tình trạng thì nên nói chuyện với bác sĩ để được đổi thuốc hoặc phác đồ điều trị khác. Nhất là những ca xuất hiện mụn nước, mụn mủ hay bàn chân bị lở loét.
Sau khi điều trị khỏi, không nên chủ quan mà cần bôi bột chống nấm chân vào giày dép khi đi mưa để tránh tái phát.
4. Phòng tránh nấm da chân mùa mưa
Lời khuyên hữu ích để phòng tránh nấm da chân mùa mưa chính là không nên đi giày vào mùa mưa bão. Nên bỏ sẵn dép phòng trường hợp ra đường gặp trời mưa.
Ngoài ra, nên giữ cho bàn chân sạch sẽ và khô thoáng. Nếu tiếp xúc với nước mưa, các vũng nước bẩn thì cần khử trùng sạch sẽ cho cả chân và giày dép đi ngoài.