pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam sinh cao như siêu mẫu sau dậy thì nhưng giọng vẫn còn trẻ con, mẹ sửng sốt
Minh Khang (ở Hà Nội) vừa tốt nghiệp THCS, chuẩn bị bước vào bậc học THPT. Dù mới 16 tuổi nhưng em sở hữu chiều cao lý tưởng với 1,72 mét và được nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Rất tự hào về chiều cao như người mẫu của con trai, nhưng chị Lan Anh (mẹ Minh Khang) vẫn lo lắng khi con lớn nhanh mà mãi không “vỡ tiếng”.
Nghe giọng con vẫn như một đứa trẻ, chị Lan Anh quan sát kỹ hơn hoạt động, hành vi của Minh Khang thì thấy con không có sự lệch lạc về giới tính. Khang rất thích các trò chơi mạo hiểm, vận động mạnh, đã biết thích những bạn khác giới.
Lo lắng giọng nói sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con, nhất là khi chuẩn bị bước vào lớp 10, chị Lan Anh quyết định đưa con đi khám. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ kết luận, Minh Khang bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì và phải tiến hành điều trị ngay. Khi nhận kết quả này, chị Lan Anh vô cùng bất ngờ và tự trách bản thân vì không đưa con đi khám sớm.
Trường hợp trẻ bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì được thăm khám tịa BV Bạch Mai.
Thực tế, những trường hợp bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì như Minh Khang không hiếm. Dù rối loạn này không phải là cấp tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự phát triển của trẻ.
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Tai Mũi Họng - BV Bạch Mai) cho biết, rối loạn giọng tuổi dậy thì là tình trạng giọng nói của trẻ vẫn như hồi bé sau khi đã dậy thì đầy đủ, dù thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Tuy chỉ gặp với tỷ lệ khoảng 1/900.000 nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, những rối loạn này có thể trở thành vĩnh viễn, không hồi phục.
Theo bác sĩ Nhung, nguyên nhân dẫn đến rối loạn giọng tuổi dậy thì là do nhiều trẻ nam đang nói giọng trẻ con, bất ngờ chuyển đột ngột sang giọng trầm khiến các em cảm thấy ngại, cố "níu kéo" giọng cũ của mình, dẫn đến mất khả năng phát âm chính xác về cao độ.
Ngoài ra, còn có thể do vấn đề bệnh về nội tiết, sinh dục, thượng thận, tuyến yên hay trẻ sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng dễ bị rối loạn giọng ở tuổi dậy thì.
Trẻ rối loạn giọng nói do nhiều nguyên nhân và cần phải được điều trị sớm để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Để điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, bác sĩ Nhung cho rằng việc đầu tiên cần làm là tư vấn tâm lý cho trẻ. Cụ thể, bệnh nhân được giải thích về cơ chế phát âm và bệnh lý của mình, cách điều trị và tiên lượng.
Bước tiếp theo là áp dụng các bài tập luyện giọng tại cơ sở y tế và làm theo hướng dẫn tại nhà. Thời gian tập tuỳ theo mức độ rối loạn giọng và tiến triển điều trị của từng người bệnh. “Trường hợp trẻ được phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng luyện giọng kết hợp tư vấn tâm lý tỷ lệ thành công cao gần 95%. Tuy nhiên, vẫn có một số ít bệnh nhân không đáp ứng với luyện giọng và điều trị tâm lý có thể phải xem xét việc phẫu thuật chỉnh hình dây thanh”, bác sĩ Nhung chia sẻ.
Bác sĩ Nhung khuyến cáo, rối loạn giọng tuổi dậy thì ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ, giảm chất lượng cuộc sống, giao tiếp, học tập và làm việc. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có rối loạn giọng tuổi dậy thì, phụ huynh nên sớm cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.