pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nam Sudan: Kế hoạch táo bạo cho môn thể thao được xem là cấm kỵ với nữ giới
Đội tuyển bóng đá nữ. Ảnh: Hiệp hội Bóng đá Nam Sudan
Vào hôm thứ Sáu (4/12), chỉ hơn một năm sau khi đội tuyển quốc gia nữ của mình thi đấu lần đầu tiên, Hiệp hội Bóng đá Nam Sudan đã đưa ra chiến lược Stars Unite trong vòng 4 năm cho bóng đá nữ, nhằm tăng số lượng người tham gia ít nhất 70%.
Nam Sudan, nơi phụ nữ là trung tâm của động lực hòa bình, hạn ngạch 35% phụ nữ tham gia vào bộ máy chính phủ đã được đặt ra.
Không ngoại lệ, ở Sudan, quan niệm phụ nữ không nên chơi bóng đá cũng phổ biến như ở nhiều quốc gia khác nhiều nơi trên thế giới. Đội trưởng của đội tuyển quốc gia nữ, Amy Lasu, người bắt đầu thi đấu ở Kenya trước khi trở về thi đấu ở quê nhà cho biết "Điều này thật sự là một thử thách vì từ lâu bóng đá đã được coi là môn thể thao của nam giới. Nó đã được coi là một điều cấm kỵ đối với nữ giới". Amy Lasu thật may mắn khi cha mẹ ủng hộ việc cô tham gia đội bóng nữ. Mẹ của Amy Lasu chơi bóng rổ, còn bố cô chơi bóng đá.
"Chúng tôi muốn chứng tỏ với thế giới rằng Nam Sudan đang phát triển về bóng đá nữ. Chúng tôi cũng muốn thay đổi suy nghĩ của một số người vẫn không tin rằng phụ nữ có thể chơi bóng đá" - Helen Terso Aninyesi, Giám đốc dự án Stars Unite cho biết.
Tuy nhiên đối với Maryln James, một cầu thủ cấp cơ sở, mọi chuyện lại khác. Cô chia sẻ "Khi bạn nói với bố mẹ rằng bạn chơi đá bóng, họ sẽ hỏi tại sao bạn lại chơi môn thể thao của nam giới". James tiếp lời: "Chỉ có mẹ là người ủng hộ tôi. Cha đánh tôi khi tôi bắt đầu tập luyện. Nhưng mẹ tôi đã bảo rằng chơi bóng không chỉ dành cho nam giới, tôi cũng có thể".
Những kế hoạch táo bạo đã được đề ra. Hiệp hội bóng đá Nam Sudan cam kết đào tạo thêm nhiều nữ huấn luyện viên, quản trị viên, trọng tài và tuyển trạch viên; bóng đá nữ sẽ được quảng bá trong trường học; sẽ có các chương trình tiếp cận cộng đồng. Đồng thời bóng đá nữ sẽ được khởi động một giải đấu quốc gia mới với giấy phép người chơi; và hứa hẹn sẽ tăng cường sự tham gia cho đội tuyển quốc gia trong các cuộc thi.
Chủ tịch Hiệp hội bóng đá, Francis Amin, cho biết: "Chiến lược bóng đá nữ mới này là một bước tiến rất lớn nhằm thể hiện cam kết của Liên đoàn bóng đá Nam Sudan (SSFA) đối với việc thúc đẩy bóng đá nữ ở Nam Sudan và tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào bóng đá".
Lasu nói: "Tôi nghĩ chiến lược sẽ giúp thay đổi cách nhìn của xã hội về bóng đá. Hầu hết các cô gái đều né tránh bóng đá vì quan điểm xã hội. Chiến lược này sẽ cho mọi người thấy rằng nữ giới có thể chơi bóng, có thể tham gia đội tuyển và thi đấu".
"Điều này sẽ giúp ích cho chị em phụ nữ, những người đã từng từ bỏ bóng đá vì phải đối mặt với những thách thức. Họ sẽ cảm nhận hy vọng trong chính bản thân mình khi nhìn những người phụ nữ khác chạy trên sân cỏ và mong muốn quay lại với bóng đá".
Đội tuyển nam của đất nước ra mắt vào năm 2012 và đã leo lên vị trí 163 (trong số 210) trong bảng xếp hạng FIFA. Đội nữ đã tham gia 3 giải kể từ khi họ ra mắt chỉ hơn một năm trước và không được đánh giá cao. Trận đấu đầu tiên của họ kết thúc với thất bại 9-0 trước Tanzania nhưng hai ngày sau đó đã mang về chiến thắng lịch sử, với Lasu ghi bàn đầu tiên và bàn thắng cuối cùng trong kết quả chiến thắng 5-0 trước Zanzibar.
"Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng một ngày nào đó đội tuyển quốc gia sẽ đạt thành tích tốt", Lasu nói. "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhưng tôi tin rằng theo thời gian, nếu chúng tôi đi đúng đường, chúng tôi sẽ tiến xa, thậm chí là một ngày nào đó có thể tham gia World Cup".
James nói thêm: "Trong thâm tâm mình, tôi hy vọng rằng bóng đá nữ ở Nam Sudan sẽ đạt được thành tựu".