pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nạn chặt trộm gỗ sưa trên núi Thầy (Quốc Oai, Hà Nội): Bài 1 - Quần thể sưa trăm năm tuổi dần biến mất
Một cây sưa có vết cắt rất mới
Thảm thương những cây sưa bị đốn hạ ngổn ngang trên núi Thầy
Để tìm hiểu tình trạng chặt phá gỗ sưa trên núi Thầy (núi đá Sài Sơn), phóng viên Báo PNVN đã leo lên núi để mục sở thị, dưới khu vực chân núi, dưới chân núi vẫn còn 4 cây gỗ sưa có đường kính khá lớn, một người ôm không hết.
Lên đến khu vực lưng chừng núi, chúng tôi bắt gặp những gốc sưa bị cắt cụt tới sát mặt đất, nhiều gốc thì đã mục nát, nhưng cũng có những gốc còn tươi mới, cho thấy nó bị cắt trộm chưa lâu. Đặc biệt, có những gốc cây to còn bị đào bới lấy cả rễ. Có những cây nằm ở gần đường lên núi, cũng bị cắt một phần ngọn, có cây thì bị cắt dọc mất một nửa thân cây.
Càng lên gần đỉnh núi, thì tình trạng chặt phá gỗ sữa càng diễn ra nhiều hơn nữa, các đối tượng “sưa tặc” chỉ lấy phần gỗ có lõi, những cây, cành không có lõi, thì bị vứt bỏ ngổn ngang trên mặt đất. Cùng với đó là vỏ chai nước uống, đồ ăn mang theo khi đi chặt trộm gỗ sưa, và ngay cả những cái cưa, dây dù, là công cụ để khai thác trộm gỗ sưa cũng bị vứt bỏ lại.
Chùa Thầy là điểm di tích nổi tiếng với lịch sử lâu đời, theo tài liệu giới thiệu ở Chùa Thầy, ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh (thời Lý) trụ trì. Vào khoảng thế kỷ XII, Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa, đó là chùa Cao trên núi và chùa Dưới, từ đó đến nay, chùa Thầy trải qua nhiều lần tôn tạo và xây dựng và có quy mô hoành tráng như ngày nay.
Năm 2014 cả cụm di tích chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt nên được quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Khu vực núi đá Sài Sơn nằm trong cụm di tích chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Theo người dân, từ hàng trăm năm trước, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt này có hàng trăm cây gỗ sưa đỏ mọc tự nhiên, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới cả trăm năm, một người ôm không hết.
Ông B.V.H, một người dân địa phương cho biết: "Kẻ chặt trộm sưa trên núi Thầy, cắt ngang gốc để kiểm tra lõi, khi không đạt độ, thì chúng đạp đổ, gãy cả cây. Cây nào nào may mắn thì thoi thóp sống, cây nào bị thương nặng sẽ chết khô trên núi Thầy. Nên các anh lên đó mới thấy cảnh những cây, cành bị vứt bỏ ngổn ngang như vậy".
Cũng bởi cách chặt phá theo kiểu tận diệt ấy, khiến cho không chỉ những cây sưa to, mà ngay cả những cây có đường kính khoảng 15-20cm cũng khó thoát khỏi lưỡi cưa của những kẻ khai thác trộm. Trên núi Thầy vẫn còn khá nhiều sưa, tuy nhiên chỉ là những cây nhỏ, có đường kính từ 3-5cm, không có lõi, nên mới không vào tầm ngắm của các đối tượng “sưa tặc”.
Theo phản ánh của người dân ở xã Sài Sơn, khoảng những năm 1990 trở về trước, trên núi Thầy có tới hàng trăm cây gỗ sưa loại to, đường kính 40-50cm, còn loại nhỏ thì rất nhiều không đếm hết được, bởi hạt rơi xuống thì cây lại mọc lên. Nhưng đến nay, xuất hiện tình trạng trộm phá gỗ sưa, khiến cho số lượng cây sưa cổ thụ chỉ còn vẻn vẹn 6 cây.
Một vị cán bộ xã Sài Sơn cho biết: "Việc chặt trộm sưa trên núi là có, từ năm 2008 Công an xã đã từng bắt những đối tượng lên núi chặt trộm và bàn giao cho Công an huyện xử lý. Lúc đấy sưa còn nhiều, nhưng cho đến nay thì số cây to còn lại chưa đến 10 cây. Còn lại chỉ là những cây con mới mọc".
Khi xem những hình ảnh phóng viên đưa ra, ông Vũ Đức Mạnh, chủ vườn ươm cây sưa ở Văn Giang, Hưng Yên, cho biết: "Sưa là loại cây chậm lớn, với những cây mọc trên núi đá như ở núi Thầy lại càng chậm lớn hơn. Vì vậy, để có một cây sưa cổ thụ trên núi Thầy, nó phải trải qua hàng trăm năm phát triển".
Ngổn ngang những cây sưa bị chặt phá trên núi Thầy
Người dân địa phương bức xúc và đau xót
Người dân địa phương hầu như ai cũng biết chuyện gỗ sưa trên núi Thầy bị khai thác chặt phá trái phép.
Bà N.T.T, một người dân ở sát núi Thầy, cho biết: "Từ lâu chúng tôi chúng tôi biết việc sưa cứ bị chặt trộm dần. Chúng tôi cũng thắc mắc đây là di tích đặc biệt quốc gia, có lực lượng cơ quan chức năng quản lý và kiểm soát, thế nhưng việc chặt trộm gỗ vẫn diễn ra thì rất khó hiểu”.
Anh T.V.H, cho hay: "Lên núi chặt được gỗ sưa rồi mang xuống thì không dễ, không hiểu bằng cách nào đó trộm gỗ vẫn qua mặt được cơ quan chức năng. Vì vậy tôi cho rằng cần phải xem xét lại cách thức bảo vệ di tích của các đơn vị hữu trách. Nếu không thì sẽ chẳng còn lại cây sưa nào nữa".
Ông B.V.H, ở xã Sài Sơn, chia sẻ: "Với những cây gỗ sưa trồng ở vườn nhà, khi kiểm tra lõi cây để khai thác, họ dùng khoan để khoan vào thân cây, nếu lõi chưa đủ tuổi khai thác thì cây không bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Nhưng ở trên núi Thầy, lâm tặc dùng biện pháp dùng cưa cắt gốc cây, khi thấy lõi cây không đủ tuổi khai thác thì bỏ lại, khiến cho cây sưa đó cũng chết luôn. Đối với những cây có lõi tốt, chúng chẳng những cắt lấy thân, cành, mà còn phá đá núi để đào cả gốc, trốc cả dễ đem đi bán. Kiểu khai thác tận diệt như vậy khiến vạt sưa nhanh chóng lụi tàn không có cây kế cận..."
Gỗ sưa còn có tên gọi khác là Huê mộc vàng, gỗ huỳnh, gỗ trắc là gỗ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994.
Do là loại gỗ cực kỳ quý hiếm, giá bán tính theo kg, loại gỗ sưa đỏ hiện nay có trị giá hàng chục triệu đồng/kg.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin.