Nâng cao kiến thức giúp lao động nữ nông thôn có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số

PV
25/04/2023 - 14:49
Nâng cao kiến thức giúp lao động nữ nông thôn có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số

Các đại biểu tham quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lộc.

Ngày 25/4, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số” tại huyện Gia Lộc nhằm giúp lao động nữ nông thôn nhận diện được cơ hội, thách thức để có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số ngày nay.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó có lao động nữ luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng lao động thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm chưa cao là một trong những rào cản khiến phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm và tiếp cận với thị trường lao động. Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững.

Nhằm giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề, cơ hội việc làm, tự tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn, giới thiệu về các xu hướng về nhu cầu lao động trong thời đại kỷ nguyên số; Diễn đàn "Cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số" được tổ chức gồm 2 phiên chính: Phiên thứ nhất: Cung cấp thông tin liên quan đến hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm sau học nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ; Phiên thứ hai: Diễn đàn Đối thoại - trao đổi về cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số. Cùng với đó là các hoạt động giới thiệu sàn giao dịch việc làm; quầy hàng giới thiệu sản phẩm sau đào tạo nghề của Trung tâm dịch vụ Việc làm 8/3 tỉnh Hải Dương; giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lộc.

Nâng cao kiến thức giúp lao động nữ nông thôn có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Diễn đàn “Cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số” tổ chức ngày 25/4 tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Diễn đàn là dịp các lao động nữ nông thôn trên địa bàn huyện Gia Lộc được lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương; Học viện phụ nữ Việt Nam… chia sẻ, cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến các chính sách ưu tiên cho lao động đặc biệt là lao động nữ trong học nghề, tạo việc làm. Những thông tin liên quan đến các nhu cầu cũng như yêu cầu tuyển dụng lao động sau đào tạo, thực trạng của công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ; các kiến thức kỹ năng cần trang bị để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng 4.0… cũng được giới thiệu tại diễn đàn.

Bà Trần Thị Thanh Thảo, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng Diễn đàn hôm nay sẽ góp phần giúp cho phụ nữ nông thôn huyện Gia Lộc có thêm kiến thức, nhận thức để tích cực, chủ động hơn nữa trong tham gia học nghề trong thời gian tới nhằm có việc làm ổn định, bền vững giúp có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiến tới bình đẳng giới trong gia đình và xã hội, đồng thời góp phần xây dựng thành công của nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương nơi mình sinh sống".

Nâng cao kiến thức giúp lao động nữ nông thôn có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương Trần Thị Thanh Thảo phát biểu tại Diễn đàn

Các cấp Hội nỗ lực đồng hành cùng phụ nữ nông thôn tận dụng cơ hội thời kỷ nguyên số

Ghi nhận các thông tin, kiến thức cũng như các kiến nghị, đề xuất chia sẻ tại diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh, Ủy viên BCH Hội LHPN VN, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian tới, các cấp Hội sẽ cùng nỗ lực hơn nữa, phối hợp tốt hơn với các cấp, các ngành đồng hành với phụ nữ nông thôn tận dụng được các cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, đối với các cấp Hội phụ nữ từ Trung ương đến cơ sở: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả "Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được phê duyệt tại quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/1/2023 và TƯ Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì thực hiện. Đây là các đề án giúp tạo việc làm sau học nghề, người lao động được duy trì làm nghề, có thu nhập ổn định cuộc sống, thu hút người lao động tích cực tham gia học nghề và công tác đào tạo nghề mới thực sự có kết quả bền vững.

Thứ hai, cần có sự tạo điều kiện, quan tâm và chủ động phối hợp từ phía các cấp chính quyền, các sở ngành, đoàn thể cùng với Hội phụ nữ các cấp để có thêm nhiều các hoạt động và nguồn lực hỗ trợ phù hợp với đối tượng là lao động nữ nông thôn, lao động nữ thuộc vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số để giúp họ vượt qua những thách thức, trở ngại trong việc tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Nâng cao kiến thức giúp lao động nữ nông thôn có việc làm bền vững trong thời đại kỷ nguyên số - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thanh Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh sự nỗ lực của phụ nữ trong tiếp cận các kiến thức đào tạo nghề

Thứ 3, nội dung quan trọng mang tính chất quyết định là sự nỗ lực tự thân của mỗi chị em phụ nữ. Chị em cần mạnh dạn, thay đổi chủ động nỗ lực ham học hỏi, chăm chỉ làm việc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để có việc làm tốt, thu nhập cao.

Bà Phạm Thị Thanh nhấn mạnh: "Sau Diễn đàn này, với các kiến thức, thông tin mà các nhà quản lý, các chuyên gia cung cấp, hy vọng chị em chúng ta sẽ có suy nghĩ thêm cho bản thân, thậm chí cả định hướng cho con em mình để thích ứng với kỷ nguyên số. Chúng ta cần nghĩ đến việc học nghề để đáp ứng yêu cầu của phát triển khu công nghiệp công nghệ cao tại Hải Dương, các doanh nghiệp phát triển và bên cạnh đó là các kỹ năng mềm để thích ứng với thời kỳ công nghệ số.

Phụ nữ nông thôn từ độ tuổi trung niên hoặc quá tuổi làm việc tại các công ty, nhà máy khi trở lại quê hương cũng cần học nghề để có thể khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại; phát triển doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã của mình có ứng dụng công nghệ số trong bán hàng, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường… Và trên hết, mong muốn chị em chúng ta hãy mạnh dạn tự tin, tận dụng cơ hội, xóa bỏ các rào cản về giới để tích cực, chủ động hơn nữa trong học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, từ đó nâng cao vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm