Để triển khai Nghị quyết hiệu quả, Hội đã ký kết phối hợp với 25 Bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng về nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Đó là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020, Công ước CEDAW...
Lần đầu tiên Hội tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ, công tác quản lý Nhà nước về phụ nữ, các vấn đề của phụ nữ và bình đẳng giới. Nhiệm kỳ 2012-2017, TW Hội đã đề xuất thành công 5 chính sách, trong đó có một số chính sách quan trọng, mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ như: giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ nữ cấp cơ sở, hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, nâng tuổi nghỉ hưu đối với một bộ phận cán bộ nữ, quy định tỉ lệ cụ thể nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp...
Một số tỉnh/thành Hội đã tham mưu, đề xuất ban hành đề án xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, tuyên truyền cho phụ nữ vùng giáo, vùng biển về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...
Cũng trong 10 năm qua, Hội đã đề xuất thành công, được phê duyệt 9 đề án, 1 tiểu đề án góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng các hoạt động vận động, chăm lo cho phụ nữ.
Trong lĩnh vực tham gia xây dựng pháp luật, 10 năm, các cấp Hội đã tham gia góp ý kiến bằng văn bản xây dựng 200 văn bản quy phạm pháp luật; TƯ Hội tích cực tham gia soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, tham gia ý kiến và phản biện đối với 300 dự thảo văn bản luật pháp, chính sách; cử đại diện tham gia trực tiếp vào các Ban soạn thảo, Tổ Biên tập. Một số ý kiến được các cơ quan tiếp thu, chỉnh sửa thể hiện trong 46 văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Điều 9 và Điều 26 Hiến pháp năm 2013.
Năm 2013 được Chính phủ đồng ý lấy là Năm Gia đình Việt Nam theo đề nghị của Hội LHPNVN. Công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc được tập trung chỉ đạo một cách đồng bộ, toàn diện thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là thế mạnh của Hội trong nhiều năm với nhiều kết quả thiết thực: hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, phát triển hoạt động tài chính vi mô; thí điểm triển khai Quỹ Hỗ trợ Tín dụng, Quỹ Bảo hiểm Vi mô, bước đầu đã đưa các sản phẩm tài chính vi mô đa dạng như vốn, tiết kiệm, bảo hiểm... đến với phụ nữ nghèo, thu nhập thấp.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, các cấp Hội quyết liệt chỉ đạo, từ 2012-2017 thành lập được 6.569 mô hình kinh tế hợp tác, trong đó 152 hợp tác xã. Thông qua các đề án dạy nghề, tạo việc làm, 10 năm qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, tư vấn nghề, việc làm cho hơn 2,9 triệu lao động nữ, đào tạo nghề cho hơn 604 nghìn lao động nữ.
Từ kết quả hoạt động của Hội, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã vận động đông đảo các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng ủng hộ được 1.759 tỷ đồng để chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có con em đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo; thăm hỏi kịp thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, hoạn nạn; phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động, xây dựng, sửa chữa trên 21 nghìn mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.
Các cấp Hội đã chủ động hơn trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ khoa học. Trung ương Hội đã có văn bản đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp, phối hợp tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị; đặc biệt nội dung quy định trách nhiệm của Hội trong giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng. Với nhiều biện pháp, Hội đã tích cực góp phần tăng tỉ lệ nữ cấp ủy, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp so với nhiệm kỳ trước.
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ, Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ xúc tiến thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam; tổ chức các hoạt động tôn vinh, ghi nhận thành tựu khoa học của các nhà khoa học nữ; gặp mặt biểu dương nữ sinh viên xuất sắc, nữ sinh thủ khoa trong kỳ thi vào các trường Đại học trong cả nước, nữ sinh đạt giải thưởng olympic quốc tế; tổ chức “Ngày Phụ nữ sáng tạo” 2 năm/lần với gần 700 sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của phụ nữ.
Ở nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức Hội các cấp đã thực hiện tốt việc tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng. Trong 10 năm qua đã có 190 cán bộ cấp tỉnh, 1.255 cán bộ Hội cấp huyện, 4.168 cán bộ Hội cấp xã được điều động, luân chuyển sang cơ quan khác (Đảng, chính quyền, đoàn thể).
Các cấp Hội đã chủ động giới thiệu phụ nữ ưu tú với Đảng để bồi dưỡng, kết nạp, góp phần tăng tỷ lệ đảng viên, trong 10 năm đã giới thiệu kết nạp 267.464 đảng viên nữ, trong đó có nhiều chị là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khu vực nông thôn.
Mời bạn đọc xem toàn văn Báo cáo tại đây.