pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng cao nhận thức đưa trà shan tuyết cổ thụ ở trên núi trở thành "vàng xanh"
Bà con được tuyên truyền, hướng dẫn cách thu hái trà đạt chất lượng
Thương hiệu trà Shanam của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đã được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới với số điểm là 94/100 điểm. Hiện nay, công nhân thu mua chè nguyên liệu cũng như là công nhân trong nhà máy và thậm chí là nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở Tà Xùa, Sơn La đều là người dân tộc Mông.
Chị Phạm Thị Việt Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đã có những chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới.
+ Chị có thể chia sẻ động lực nào đã đưa doanh nghiệp đến với ý tưởng phát triển trà của Tà Xùa trở thành thương hiệu trà Shanam như hiện nay?
Ngay từ những ngày đầu mà xây dựng nhà máy tại Tà Xùa, chúng tôi đã đưa ra tên gọi là Shanam. Shanam có nghĩa là trà shan tuyết Việt Nam. Khi mình xây dựng một thương hiệu riêng như vậy, trước tiên là Shanam đã đặt vị trí nhà máy tại Tà Xùa.
Còn câu chuyện làm việc với bà con dân tộc bắt đầu từ những ngày đầu, những công nhân đầu tiên được mời vào trong nhà máy thậm chí còn không biết chữ, cán bộ còn dạy cho các bạn ấy nguyên cả mấy tháng để biết ký tên, nhưng đến nay thì các bạn ấy thì đều đọc thông viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi. Đó là một quá trình mà doanh nghiệp phải làm việc với bà con dân tộc miền núi, có những khó khăn mà khi sinh sống với bà con mình mới có thể cảm nhận được.
+ Trà của Shanam đã giúp cho đồng bào dân tộc Mông tại Tà Xùa thay đổi cuộc sống như thế nào, thưa chị?
Xin được chia sẻ về câu chuyện phát triển bền vững. Mình phải làm thế nào để khi doanh nghiệp phát triển thì bà con đang gắn bó với mình cũng có đời sống cũng tốt hơn.
Trước tiên, mình phải dạy cho bà con biết yêu. Ví dụ đối với Shanam thì mình tuyên truyền để bà con biết yêu cây trà trước, khi mà yêu cây trà rồi thì mình sẽ dạy cho người ta thu hái làm sao để đúng kỹ thuật. Vì trà là cây ăn lá, nếu bà con hái đúng kỹ thuật thì mùa sau cây sẽ lại ra nhiều búp hơn và cứ như vậy sản lượng sẽ tăng lên. Những bước đầu, mình phải dạy bà con về cách thu hái làm sao để đúng kỹ thuật và phải đúng ngày, để thu hái làm sao cho phẩm trà là tốt nhất.
Lúc đầu, khi đi dạy bà con thì bà con bảo là hôm nay hơi bận đi đám cưới này, mai thì bận đi việc này, hay bận việc làm nương sẽ không đi hái trà. Mà như thế sẽ qua mất ngày tốt để thu hái. Chính vì vậy, Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc đã bắt tay cùng với lại địa phương thành lập Hợp tác xã Trà Tà Xùa. Hợp tác xã sẽ đứng lên thu mua những phẩm trà, cũng như dạy bà con thu hái những phần trà tốt đạt tiêu chuẩn để đưa vào nhà máy. Nhà máy sẽ bao tiêu hết cả vùng nguyên liệu đó để bà con yên tâm gắn bó với công ty, cứ hái trà về công ty sẽ thu mua không phải lo về đầu ra.
Sau 5 năm nếu có dịp quay lại bản Tà Xùa mới thấy đời sống của bà con thay đổi rất nhiều. Ví dụ trước đây, các anh chị trong tổ chức Oxfam được công ty dẫn lên đến bản còn chưa có đường, chưa có điện. Bà con thì không có mối liên hệ với bên ngoài. Tuy nhiên, đến bây giờ, đường đã vào đến tận sâu trong bản rồi. Bản cũng có điện và bà con cũng xài smartphone. Đời sống của họ đã đi lên và xe máy cũng đã bon bon trên đường.
Đó là những phát triển ở tại vùng mà mình gắn bó. Khi mà Shanam lên Tà Xùa, là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn cấp độ 3, bà con lúc đó vô cùng là khó khăn. Đến bây giờ, đời sống đã khá hơn rất nhiều. Đó là điều mà công ty đã làm được với một vùng của bà con dân tộc thiểu số.
+ Rõ ràng là trên hành trình để chúng ta có thể xây dựng được một doanh nghiệp như thương hiệu trà Shanam thì chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn cũng như vướng mắc. Vậy thì những khó khăn này đến từ đâu và Shanam đã làm thế nào để khắc phục điều đó?
Như tôi vừa chia sẻ, cái khó khăn lớn nhất đến từ nhận thức của bà con. Đầu tiên phải giáo dục được bà con yêu mến những thứ đối với mình là giá trị. Trước đây mình nói rằng trà shan tuyết cổ thụ ở trên núi là vàng xanh, vàng trắng, bà con không cảm nhận đó là vàng. Vậy trước hết mình phải cho họ thấy là đó thực sự là vàng, bằng cách phải biến đổi dần dần nó thành hàng hóa.
Khi Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc bắt đầu lên vùng trà Tà Xùa thì khi đó thì cây trà shan tuyết cổ thụ lại đặt ở vùng đang bị quy hoạch bỏ đi. Bởi vì một búp trà cổ thụ rất to, đối với công nghệ của bà con chỉ sao trà bằng củi lửa, sẽ không đủ nhiệt để có thể diệt được men của búp trà to như vậy. Cho nên bà con sẽ không tạo ra được một phẩm trà chuẩn. Bà con thường hay gọi là trà đắng, khi đem bán ra thị trường thì người ta không mua.
Trà shan tuyết cổ thụ ở trên núi là vàng xanh, vàng trắng
Khi Công ty lên, lúc đó thì búp trà của cây trà shan tuyết cổ thụ đang bán với giá là 20.000/kg trà tươi, trong khi cây trà trồng mới lại đang bán với giá là 40.000/kg, rất nghịch lý. Chúng tôi ngay lập tức mua luôn 40.000/kg, bằng các phẩm trà kia cho bà con và bảo không cần phải chế biến gì cả, cứ hái về đúng kỹ thuật. Nếu ai hái đúng kỹ thuật thì mua được cao hơn. Khi đó bà con nhìn thấy lợi ích của việc mình hái bán cho công ty.
Nếu làm đúng kỹ thuật, đúng một tôm hai lá thì sẽ bán được giá cao, dần dần bà con cũng hình thành được ý thức và họ cũng thấy là yêu cây trà hơn. Vì năm nay họ hái đúng kỹ thuật thì sang năm búp trà ra nhiều hơn, họ lại được bán được nhiều tiền hơn thì lúc đấy dần dần họ cảm thấy là đúng, sau đó họ sẽ cảm nhận rằng đó là một thứ giá trị đối với họ. Vậy khó khăn trước tiên nhất là thay đổi nhận thức của người dân.
Cho đến nay đã có những nhà hái được kỹ thuật cao, Công ty đang mua đến 150.000-160.000 đồng/kg, còn giá bình quân mua trà tươi tại Tà Xùa là 80.000 đồng/kg, có thể nói đây là mức giá thu mua trà tươi cao nhất Việt Nam hiện nay.
Khó khăn thứ hai nữa là thị trường. Khi Shanam ra mắt thương hiệu vào tháng 12/2017, tham gia các hội chợ, triển lãm thậm chí còn phải cầm ảnh để cho khách hàng biết là trà này từ cây cổ thụ như thế này. Khi đó phải truyền thông về cây trà trước sau đó cho mọi người uống thử rồi mới truyền thông đến sản phẩm.
Thế nhưng đến nay được sự cộng hưởng của truyền thông và của chính quyền địa phương cũng đã truyền thông rất nhiều về cây trà cổ thụ thì Shanam đã định vị ra những dòng trà phù hợp với nhiều đối tượng, thị trường. Tùy vào những đối tượng khách hàng khác nhau mà chúng tôi có thể làm ra đến tận 50 loại trà khác nhau. Như vậy cũng có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả những người tiêu dùng trên thị trường và trong 5 năm tới hy vọng là sản lượng mà Shanam mua của bà con cũng lan tỏa ra được thị trường hơn nữa, để bà con thêm yêu, thêm quý và có cuộc sống ổn định nhờ cây trà shan tuyết.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!