Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ASEAN

05/03/2016 - 09:32
Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ hai có nhiệm vụ kiến nghị các chính sách để chính phủ trong khu vực tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ phát triển,khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nữ trong xây dựng và phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại diễn đàn
Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội ngày 4/3 với chủ đề “Tạo thuận lợi cho Doanh nhân nữ nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN”. Theo Phó Chủ tịch nước, Diễn đàn góp phần tăng cường vai trò của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh và kết nối các doanh nghiệp trong khi vực và trên thế giới. Diễn đàn còn là cơ hội để trao đổi, chia sẻ, liên kết kinh doanh, phát huy thế mạnh trong điều kiện mới để góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực giữa ASEAN và các đối tác trên thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý.
Ban Chủ tọa của Diễn đàn
Lực lượng xung kích
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh nữ doanh nhân là lực lượng chủ động, xung kích và là những người có đóng góp quan trọng nhất vì sự phồn vinh và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Doanh nghiệp nữ cần không ngừng tăng cường năng lực quản trị kinh doanh, khả năng dự báo, cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và chủ động xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có nhiều thuận lợi nhưng đi kèm với đó là những thách thức đang phải đối mặt. “Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển đối với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao độ vào hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế Việt Nam đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn phấn đấu thực hiện các cam kết, cũng như tận dụng các cơ hội từ hội nhập. Bằng chứng là Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế 1 cửa ASEAN. Đây là công cụ quan trọng tạo điều kiện thuận lợi về thương mại và đầu tư trong khu vực, được các nước trong khu vực đánh giá cao”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh phát biểu
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), AWEN nằm trong chương trình hành động của Ủy ban Phụ nữ ASEAN. Với nhiệm kỳ 2 năm đầu tiên, AWEN đã tự tổ chức và phối hợp tổ chức cũng như giới thiệu các hội viên tham gia trên 30 hoạt động của doanh nhân nữ ASEAN. AWEN cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo và phối hợp để kết nối giữa các nhà tài trợ với các tổ chức tài chính vi mô với doanh nhân nữ để hỗ trợ họ có khả năng tiếp cận với nguồn tài chính, tiếp cận công nghệ. Các hoạt động của AWEN tập trung vào việc cung cấp kiến thức, kỹ năng, thông tin cần thiết về hội nhập cho doanh nghiệp nữ; kết nối giữa nhà tài trợ với các quỹ tín dụng vi mô; giữa quỹ tín dụng vi mô với doanh nhân nữ…nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nữ tiếp cận được nguồn tài chính. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để các nữ doanh nhân có thể đóng góp lớn hơn cho một cộng đồng chung ASEAN và xa hơn nữa là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Xây dựng các doanh nhân nữ lớn mạnh
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về việc làm thế nào để hỗ trợ nữ doanh nhân lớn mạnh; thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo có nguồn tài chính cho phụ nữ; cách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp do nữ lãnh đạo. Các đại biểu còn chia sẻ các sáng kiến về nâng cao quyền năng kinh tế cho doanh nhân nữ, nhằm củng cố vị thế của doanh nhân nữ trong cộng đồng kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ASEAN nói chung cũng như cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nói riêng.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
“Sự tinh tế, nhân ái và tinh thần đổi mới, sáng tạo vốn dĩ là những ưu điểm vượt trội của phụ nữ làm kinh doanh; vì vậy, chị em cần nắm bắt tốt cơ hội này, vươn lên thể hiện mình trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN” - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định. Ông Lộc còn nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, Chính phủ các nước ASEAN cần quan tâm, đưa ra những chính sách thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy doanh nhân nữ phát triển. Yếu tố ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là việc phát triển công nghệ thông tin và nền kinh tế số trong các nước ASEAN, tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh chóng, giúp họ chủ động trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để doanh nhân nữ ASEAN thực sự vươn mình ra hội nhập, liên kết sáng tạo.
Bà Victoria Kwawa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Bà Victoria Kwawa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cơ quan ban, ngành, hiệp hội… các doanh nghiệp nói chung và các doanh nhân nữ muốn thành công phải tìm giải pháp cho chính mình để vượt qua các rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, thu hẹp khoảng cách giới; không ngừng năng động, sáng tạo trong phân tích dự báo tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu để từng bước thành công và vươn ra các nước trong khu vực. Còn theo bà Deepa Bharati, Quản lý cấp cao, Văn phòng đại diện khu vực của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen) tại Bangkok (Thái Lan), các thành viên trong AWEN cần hợp tác với nhau, tạo cơ hội, học hỏi nhau vươn lên. AWEN cần xây dựng website, faceboook để dễ dàng kết nối, mở hội chợ triển lãm… Sự thành lập của cộng đồng kinh tế ASEAN là cơ hội để xây dựng thị trường chung lớn mạnh với hơn 600 triệu người, đưa người dân thoát khỏi nghèo đói để phát triển bền vững.
Bà Deepa Bharati, Quản lý cấp cao, Văn phòng đại diện khu vực của Tổ chức UNWomen tại Bangkok (Thái Lan)


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm