Nâng cao trí tuệ cho trẻ bằng phương pháp Scaffolding

Nguyễn Hạnh
18/05/2022 - 16:26
Nâng cao trí tuệ cho trẻ bằng phương pháp Scaffolding
Scaffolding có nghĩa là "giàn giáo" với cách tiếp cận áp dụng cũng mô phỏng theo việc chúng ta xây nhà. Phương pháp này dựa trên một công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Lev Vygotsky từ đầu những năm 1900, dựa theo ý tưởng "làm một lần cho biết rồi thả tay từ từ".

Phương pháp Scaffolding là quá trình người lớn giúp trẻ hoàn thành một nhiệm vụ mà trẻ không thể tự mình làm được. Điều này đòi hỏi trí thông minh, nắm bắt tình huống đúng lúc để hỗ trợ tạm thời cho đến khi trẻ có thể tự làm mọi việc và giúp trẻ vượt qua chướng ngại tâm lý khi mọi việc không được như ý...

Bác sĩ tâm lý Julian Lagoy tại Mindpath Health (Mỹ) cho biết: "Nuôi dạy con theo phương pháp Scaffolding là một mô hình hữu ích cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm. Phương pháp này sẽ giúp trẻ vươn tới những tầm cao lớn hơn, có nền tảng vững chắc hơn, giúp trẻ phát triển những đức tính tốt hơn."

Nâng cao trí tuệ cho trẻ bằng phương pháp Scaffolding - Ảnh 2.

Phương pháp Scaffolding cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm

Vậy chính xác thì việc nuôi dạy con cái theo phương pháp này như thế nào? Dưới đây là năm đặc điểm của phương pháp "giàn giáo" và lý do giúp những đứa trẻ trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn:

Đặc điểm 1: Sự đồng cảm

Để biến việc học hỏi từ những sai lầm trở thành một quá trình xây dựng cho trẻ, cha mẹ không nên để trẻ phải chịu đựng một mình. Hãy cho bọn trẻ biết rằng bạn quan tâm đến chúng và bạn hiểu quan điểm của chúng khi trẻ mắc lỗi. Điều này rất quan trọng vì nó dạy cho trẻ biết rằng chúng ta có thể mắc sai lầm và cha mẹ chúng luôn ở bên để hỗ trợ dù có chuyện gì xảy ra.

Hãy đồng cảm, chia sẻ với con khi mọi việc trở nên khó khăn, trẻ sẽ cảm thấy không bị bỏ rơi. Tất nhiên, đôi khi hành động của chúng ta khiến con không thoải mái hoặc đau đớn. Nhưng khi để trẻ em hiểu rằng, chúng không phải chịu đựng một mình và sẽ luôn có ai đó cùng đối mặt với khó khăn, thì những trải nghiệm đó sẽ không gắn liền với sự cô đơn. Hơn nữa, sự khích lệ giúp trẻ vượt qua những điều khó khăn, miễn là cha mẹ có thể đồng hành cùng con.

Đặc điểm 2: Sự công nhận

Khi cha mẹ cho con tự do quyết định, trẻ rất dễ bị mắc vào guồng quay hỗn độn. Đây là một phản ứng tự nhiên, nhưng một trong những nhiệm vụ cơ bản của cha mẹ là giữ an toàn cho con cái.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bọn trẻ cũng mắc lỗi. Đôi khi trẻ làm tốt, thậm chí đạt được thành công lớn. Sau đó, việc công nhận thành tích của trẻ là điều cần thiết.

Bác sĩ Lagoy cho biết: "Khi trẻ thành công, hãy hỗ trợ chúng hơn nữa, khích lệ và công nhận thành tích của con. Điều này giúp trẻ xây dựng lòng tự tin và tiếp tục học hỏi thêm và tích lũy kinh nghiệm",.

Khi trẻ đang gặp khó khăn để tiến tới thành công, ghi nhận những nỗ lực của chúng là một cách tuyệt vời để khơi dậy sự tự tin của trẻ. Sự kiên trì và khả năng phục hồi được phát triển khi trẻ em thấy giá trị của việc đối mặt với sự thất vọng. Do đó, thừa nhận nỗ lực của trẻ khi đối mặt với nghịch cảnh sẽ củng cố tầm quan trọng của thất bại lành mạnh và không bỏ cuộc.

Đặc điểm 3: Sự can thiệp

Khi trẻ khó khăn để vượt qua trở ngại, cha mẹ cần phải bước vào. Nhưng thay vì giải quyết vấn đề bằng cách làm những việc thay cho trẻ, hãy tìm kiếm cơ hội tham gia với tư cách cộng tác viên. Giúp con bạn tạm dừng, suy ngẫm để giải quyết vấn đề. Các biện pháp can thiệp cũng có thể được sử dụng để giúp trẻ giữ bình tĩnh khi đối mặt với thất bại. Việc có ai đó giúp đỡ trẻ hoàn thành một nhiệm vụ tốt hơn nhiều thay vì nhờ ai đó làm giúp.

Bác sĩ Lagoy cho hay: "Cha mẹ vẫn nên đóng một vai trò tích cực trong việc nuôi dạy con. Cha mẹ có thể can thiệp sớm hoặc trước khi trẻ phải thất vọng vì một điều gì đó.

Sự vui đùa là một công cụ hữu ích để can thiệp vào việc của trẻ dễ dàng. Trẻ em thích bắt chước cha mẹ của chúng, và đó là một cách tuyệt vời để cha mẹ tham gia một cách tự nhiên.

Đặc điểm 4: Kế hoạch

Kế hoạch phù hợp có thể hạn chế những sai lầm mà trẻ em mắc phải. Đôi khi trẻ có thể dũng cảm chấp nhận rủi ro. Nhưng có lúc trẻ không nhận được sự động viên. Tuy nhiên miễn là các tác động tự nhiên này không ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Tất cả đều là quá trình học hỏi.

Cung cấp cho trẻ một lịch trình thường xuyên là một công cụ để phát triển tính độc lập của trẻ. Ngoài ra, một lịch trình có thể giúp thiết lập nhịp sống hàng ngày và giảm bớt lo lắng của con bạn, giúp chúng biết những gì sẽ xảy ra. Trẻ sẽ thích nghi với thời gian biểu thông qua sự lặp lại và giúp chúng làm theo lịch trình một cách độc lập.

Các thói quen và lịch trình rất tốt cho trẻ em vì điều này dạy trẻ biết cách sắp xếp trật tự trong cuộc sống. Có một lịch trình và thói quen hàng ngày là điều quan trọng để học tập. Để thiết lập các thói quen hãy viết một lịch trình dán bên cạnh đồng hồ trong phòng chơi để trẻ có thể tự xem và làm theo.

Đặc điểm 5: Khuyến khích

Khi trải qua sự thất vọng, mất tự tin hoặc thất bại, trẻ rất cần một người cổ vũ để giúp chúng phục hồi. Cha mẹ thể hiện niềm tin ở con là điều quan trọng giúp xây dựng sự tự tin khi trẻ nghi ngờ khả năng của chính mình. Khen ngợi những nét tính cách cụ thể mà con bạn thể hiện, thay vì động viên chung chung, sẽ giúp trẻ cảm thấy sự nỗ lực của mình được nhìn nhận.

Tất cả chúng ta đều muốn con mình độc lập, thông minh và có nhiều hứng thú trong cuộc sống. Nguyên tắc của phương pháp "giàn giáo" là dạy trẻ có được những tính cách trên. Bởi vậy dạy con theo phương pháp này ngay từ khi còn nhỏ là điều tốt nhất

Có nên dạy con theo phương pháp Scaffolding không?

Đặc điểm của phương pháp Scaffolding rất thú vị nhưng cũng đem nhiều thắc mắc cho các bậc phụ huynh. Bác sĩ tâm lý Lagoy chia sẻ: "Thời gian đầu cha mẹ có thể gặp khó khăn khi theo phương pháp Scaffolding. Tuy nhiên, giá trị của phương pháp này đem lại rất to lớn nếu cha mẹ đủ sự kiên trì. Đôi khi thất vọng là điều khó tránh vì kết quả không thể hiện rõ ngay lập tức nhưng nó sẽ tốt cho con bạn về lâu dài".


Nguồn: Fatherly
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm