pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng hạng gốm sứ bằng chứng nhận OCOP tiềm năng 5 sao
Nghệ nhân Hà Thị Vinh, sáng lập thương hiệu gốm sứ Quang Vinh
Gốm sứ Quang Vinh là một trong số ít các sản phẩm vinh dự được xuất hiện, giới thiệu trong cuốn sổ tay hỏi đáp OCOP. "Mẹ đẻ" của thương hiệu này là nghệ nhân Hà Thị Vinh. Bà là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời tại làng Bát Tràng. Sinh ra, lớn lên ở làng nghề, đất, gốm đã in sâu vào trong tâm hồn bà. Đầu những năm 90, bà Hà Thị Vinh thành lập công ty gốm sứ Quang Vinh.
Khởi nghiệp với bao khó khăn lúc ban đầu bà đã khiêm tốn học hỏi và làm việc không kể giờ giấc kể cả làm những khâu rất nặng nhọc như trộn đất sét bằng chính đôi chân trần và sức lực của mình.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh trải lòng: "Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề".
Đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ, bảo vệ môi trường
Như bao làng nghề truyền thống khác, làng nghề Bát Tràng bị đánh giá là một trong những điểm ô nhiễm nặng của Hà Nội về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra. Nhận thấy hạn chế này, bà đã dành thời gian đến nhiều nước trong khu vực để tìm hiểu về công nghệ. Bà nhận ra, nghề gốm Việt Nam đang bị bỏ lại rất xa và bà tự nhủ, cần phải thay đổi để vừa bảo vệ môi trường làng nghề vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà đã cùng các thành viên trong công ty đã đưa ra giải pháp thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao. Công ty TNHH Quang Vinh là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc nhập lò nung đốt bằng gas công nghệ cao của Đài Loan để thay thế lò than và sau đó là áp dụng lò nung bằng gas theo công nghệ tiên tiến của Đức. Công ty cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến nguyên liệu theo công nghệ của Nhật Bản, Đan Mạch để chế biến ra nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất sản phẩm gốm sứ cao cấp.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, số lượng lớn, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, công ty liên tục đầu tư các công nghệ hiện đại, đổi mới toàn diện dây chuyền sản xuất. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đã giúp giảm được 25% lượng tiêu hao nhiên liệu so với các lò hiện có, giảm thiểu khí thải, giảm chi phí sản xuất, tạo cho sản phẩm có chỗ đứng và vị thế trong nước và trên thế giới. Hiện nay, trên 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính nhất như Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...
Từ làng gốm cổ, nghệ nhân Hà Thi Vinh đã gây dựng được công ty tại Bát Tràng (Hà Nội) và nhà máy sản xuất tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều sản phẩm gốm sứ được chứng nhận OCOP 4 sao
Sản phẩm gốm sứ Quang Vinh được sản xuất với nguồn nguyên liệu chính là đất cao lanh chịu lửa, có những bí quyết nung gia truyền nên dù qua thời gian sử dụng lâu năm, nước men của sản phẩm vẫn giữ được độ trong. Tạo hình, hoa văn trên những sản phẩm cũng mang nét độc đáo riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt. Đó là hình ảnh mỹ học cổ điển được vẽ tay như rồng phượng, hoa sen, chim én… Qua từng nét vẽ hình khối, họa tiết, người sử dụng có thể cảm nhận được hồn Việt, được vẻ đẹp quê hương, đất nước.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chinh phục thị trường, năm 2019, Công ty Quang Vinh đã có 5 sản phẩm được Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én Hoa Sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én Hoa Sen; có 1 sản phẩm 4 sao là bộ lọ hoa cội nguồn.
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.