Nặng lòng với thổ cẩm truyền thống Lào Cai

24/10/2017 - 14:32
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật kiến trúc và hội họa, chị Cung Thanh Mai (42 tuổi) - Chủ nhiệm Hợp tác xã Lan Rừng ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai - là người tiên phong đưa sản phẩm thổ cẩm đến đông đảo người tiêu dùng và du khách.
Từ nhỏ, chị Mai đã tự may quần áo cho mình và thiết kế cho búp bê theo trang phục 27 dân tộc ở Lào Cai bằng các chất liệu vải thô và hoa văn thổ cẩm thêu tay. Năm 18 tuổi, chị theo học một số lớp thiết kế thời trang, may đo chuyên nghiệp. Đó là nền tảng để chị là người tiên phong của tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm thổ cẩm đến đông đảo người tiêu dùng và du khách. 
cung-thanh-mai-tho-cam-lao-cai-6.JPG
Chị Cung Thanh Mai, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lan rừng (Sa Pa)

Nhận thấy du khách đặc biệt thích thú với nghề thổ cẩm thêu tay trên chất liệu truyền thống của các dân tộc bản địa Mông, Dao, Tày, Xa Phó..., năm 2000, chị thành lập Hợp tác xã Lan Rừng, tập hợp hơn 100 xã viên đủ thành phần dân tộc ở khắp các bản làng của Sa Pa. Các xã viên này không cần góp vốn, mỗi người phụ trách một công đoạn là thế mạnh của mình. Chị cho thử nghiệm hàng trăm lần mới tìm ra được phương pháp nhuộm màu và in họa tiết sáp ong để màu luôn bền đẹp, không phai, lem màu.

cung-thanh-mai-tho-cam-lao-cai-1.jpg
Chị Mai tham gia mọi khâu sản xuất

Chị Mai còn đi sâu tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, họa tiết của các dân tộc thiểu số rồi thiết kế sáng tạo màu sắc hoa văn bằng cảm quan hiện đại vào những bộ trang phục tơ tằm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như gối, khăn trải bàn, tranh treo tường. Từ đó, Hợp tác xã Lan Rừng cho ra đời những mẫu sáng tạo đa dạng và phong phú bằng kỹ thuật thêu tay nổi trên nền chất liệu tơ tằm hoặc vải thô được dệt bằng sợi lanh.

17 năm thành lập Hợp tác xã cũng là chừng ấy thời gian chị Mai dành tâm sức để tôn vinh họa tiết thổ cẩm trên các chất liệu truyền thống. Vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn của hoa văn thổ cẩm trong từng sản phẩm đã gieo niềm yêu mến vào lòng người du khách. Trong công việc, chị tham gia vào tất cả các khâu tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu, dệt, nhuộm, khâu thêu đường viền…
cung-thanh-mai-tho-cam-lao-cai-2.jpg
Bà con dân tộc tham gia dệt vải

Giờ đây túi xách, ba lô, quần áo, khăn, túi xách tay,…đặc biệt là trang trí nội thất, nhà hàng khách sạn của Hợp tác xã Lan Rừng đã đi khắp cả nước và trở thành quà tặng độc đáo của du khách nước ngoài dành cho người thân. Năm 2016 sản phẩm của Hợp tác xã Lan Rừng được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ nổi tiếng ở Việt Nam. Trong lễ khai mạc năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc, sản phẩm khăn thổ cẩm của Hợp tác xã Lan Rừng được UBND tỉnh Lào Cai chọn làm quà tặng đặc biệt cho đại biểu, quan khách. Không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hợp tác xã Lan Rừng đã tạo việc làm cho hơn 100 xã viên là phụ nữ dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân mỗi tháng 4- 4,5 triệu đồng/người.

cung-thanh-mai-tho-cam-lao-cai-4.jpg
Nghệ nhân người dân tộc tỉ mẩn thuê hoa văn thổ cẩm

Hiện Hợp tác xã Lan Rừng đã có chính thức 5 gian hàng ở phố Cầu Mây và Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Lào Cai. Các cơ quan chức năng của một số tỉnh như Lai Châu, Hà Giang đã mời chị Mai hợp tác theo hình thức cầm tay chỉ việc giúp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với mỗi địa phương.

cung-thanh-mai-tho-cam-lao-cai-5.jpg
Cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại thị trấn Sa Pa

Theo chị Mai, tại các địa phương vùng cao, miền núi, việc phát triển kinh tế của người dân nói chung, doanh nghiệp nói riêng còn gặp nhiều trở ngại, bởi chất lượng nguồn nhân lực không cao, hạ tầng giao thông khó khăn, địa hình bị chia cắt, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ hẹp…Vì vậy, chị mong muốn các tỉnh miền núi có thêm những chính sách, cơ chế “mở” cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại; hỗ trợ thông tin trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm