Thế nhưng, điều đẹp đẽ và đọng lại của Mùa hoa cải là tình yêu còn ở lại, như màu hoa vàng lung linh không bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng. Cô gái “đành bước sang ngang” nhưng tình yêu vẫn còn đó, con tim vẫn cháy mãi, vẫn mong ngóng ngày trở về của người yêu, dù đã qua những tháng năm mòn mỏi trông chờ vô vọng. Bỏ lại mùa hoa cải sau lưng và những tháng năm một lòng sắt son chung thủy nhưng ngọn lửa tình yêu và kỷ niệm một thời đáng nhớ không tắt lịm, vẫn cháy sáng âm thầm và bền bỉ trong trái tim của người con gái ấy.
Chiến tranh đưa những người con trai đẹp nhất, can đảm nhất ra đi không hẹn ngày trở về. Và hình ảnh những người con gái, những người chị, người em, người mẹ hiền nuôi nấng niềm tin yêu và khoảnh khắc sum họp đã trở thành một biểu tượng bất tử của dân tộc ta. Biểu tượng ấy đã được các nhạc sĩ tài hoa khắc họa bằng vẻ đẹp của ngôn từ, của những hình ảnh có sức sống bền bỉ với thời gian, trong đó Mùa hoa cải của nhạc sĩ Lê Vinh là một thí dụ nổi bật. Lời ca đẹp kết hợp với nhạc điệu tha thiết, trầm tư đã kể một câu chuyện buồn nhưng không bi lụy, vừa gợi lên niềm thương xót lại gợi mở ra một không gian, nơi công chúng được đắm mình trong những cảm xúc lắng sâu, giúp lây lan và nuôi dưỡng sự tinh tế của tâm hồn, sự nhạy cảm với nhân tình thế thái.
Mùa hoa cải được nhạc sĩ lãng du Lê Vinh phổ thơ Nghiêm Thị Hằng. Đây được xem là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ca sĩ Thái Bảo, cũng là ca khúc từng giúp ca sĩ Thanh Tâm đoạt Huy chương Vàng hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Đây cũng là bài thơ phổ nhạc được yêu thích nhất của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, dù thơ của chị đã được nhiều tên tuổi làng nhạc như Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục, Thanh Phúc, Cầm Phong, Thế Song, Đoàn Bổng... ưu ái. Và mỗi lần giai điệu ấy vang lên, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt xúc động…
MÙA HOA CẢI |