‘Né’ ngộ độc thực phẩm dịp hè, không nên bỏ qua các lưu ý này

23/05/2018 - 12:51
Mới đầu hè nhưng số ca ngộ độc thực phẩm và ngộ độc tập thể đã gia tăng như vụ hơn 70 nữ sinh viên tại Vĩnh Phúc và 19 học sinh tiểu học tại Quảng Ngãi. Các chuyên gia dự báo, ngộ độc thực phẩm dễ gia tăng trong dịp hè. Để "né" ngộ độc thực phẩm dịp hè, bạn không nên bỏ qua các lưu ý sau đây.

Gần đây nhất, sáng 21/5, 19 em học sinh lớp 3B, trường Tiểu học Trần Phú (Quảng Ngãi) phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Sản-Nhi của tỉnh. Tất cả học sinh nhập viện với tình trạng đau bụng, nôn ói, trong đó có 2 trường hợp biểu hiện sốt nặng, sau khi uống trà sữa.

Sau khi tiếp nhận, các y, bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, xét nghiệm, chuyển những trường hợp ngộ độc nặng lên khoa Nhiệt đới tiếp tục theo dõi, điều trị.

anh-1.jpg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm

Trước đó, ngày 14/5, xảy ra một vụ ngộ độc tập thể sau liên hoan chia tay khiến hơn 70 giáo sinh mầm non trường Đại học Sư phạm Hà Nội II (Vĩnh Phúc) phải nhập viện cấp cứu. Các sinh viên này bị ngộ độc sau khi ăn uống tại Nhà hàng Nhị Xuyên, đóng trên địa bàn phường Xuân Hòa (phường Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). 

Sau khi về nhà, nhiều sinh viên có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đi ngoài và được người thân đưa ra viện cấp cứu. Một số sinh viên mang thức ăn chưa dùng hết về nhà cho người thân ăn cũng có những triệu chứng tương tự. 

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2018, trên cả nước đã có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong. 


Vì sao ngộ độc thực phẩm dễ gia tăng dịp hè?

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), thời tiết nóng ẩm của mùa hè, khiến thực phẩm rất dễ ôi thiu. Trong khi đó, mùa hè cũng là “mùa” phát triển của nhiều vi sinh vật gây bệnh. Nếu khi chế biến thức ăn không nấu kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 tiếng… sẽ dễ khiến đồ ăn ôi thiu, vi sinh vật xâm nhập, dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. 

anh.jpg
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn là một trong những biện pháp
"né" ngộ độc thực phẩm

Vì thế, cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, để "né" ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là dịp hè, mọi người không nên bỏ qua những lưu ý sau: Chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín. Ngoài ra, cần đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín.

“Luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch... cũng là biện pháp hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm”, TS Phong cho biết.

Dịp hè, mọi người cũng hay đi nghỉ ở những điểm du lịch. Để tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người cần lựa chọn quán ăn có uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; yêu cầu nhà hàng đun kỹ thức ăn. Dù ở nhà hay đi ăn ở ngoài thì cũng không nên ăn rau sống; không ăn tiết canh và các món tái… để tránh nhiễm giun, sán và ngộ độc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm