Nên và không nên đáp ứng khi trẻ đòi mua đồ

26/04/2016 - 23:33
Trẻ đòi mua một món đồ có thể do quá thích, hoặc do tò mò, bố mẹ cân nhắc tùy vào mục đích mua đồ của trẻ và điều kiện của mình.
tre-doi-mua-do-1.jpg

Trẻ tò mò và muốn khám phá

Trẻ nhỏ thường thích khám phá những điều mới lạ. Khi gặp đồ chơi, các món đồ có màu sắc phong phú đẹp mắt, trông mới mẻ và hấp dẫn, trẻ sẽ có xu hướng muốn được trải nghiệm. Đôi khi trẻ nhỏ tỏ ra vô cùng thích thú một món đồ, thế nhưng đến khi mua được đồ rồi thì sự háo hức ban đầu không còn nữa, thậm chí lúc mang đồ về đến nhà thì không còn hứng thú động vào nữa. Khi mong muốn tìm hiểu được đáp ứng, thì sự tò mò của trẻ đối với món đồ kia sẽ mất đi. Trẻ nhỏ hoàn toàn chưa có khái niệm về “tiền bạc” hay “giá trị” của món đồ, cũng không có khái niệm “lãng phí”. Khi bố mẹ bỏ tiền ra để thỏa mãn sự háo hức của trẻ trong một thời gian ngắn ngủi, trẻ không nhận thức được là nên hay không nên, vì vậy việc đòi mua đồ vẫn sẽ tiếp tục nhiều lần. Hiểu được điều này, khi thấy con đòi mua đồ vì tò mò, thích thử nghiệm điều mới mẻ, bố mẹ không cần “giáo huấn” trẻ việc mua đồ xong không dùng là lãng phí.

Trẻ thật sự thích

Nhiều lúc trẻ muốn có một món đồ nào đấy không phải vì tò mò muốn biết nó chơi hoặc sử dụng như thế nào, mà vì trẻ thật sự thích. Chẳng hạn như bé muốn mua bằng được con gấu giống với con đã bị mất của bé, hay là bé rất thích sưu tầm búp bê, dù đã có nhiều nhưng vẫn muốn thêm vào bộ sưu tập của mình nhiều búp bê xinh đẹp... Nếu như trẻ thật sự thích món đồ nào, thì việc bố mẹ quyết định có mua hay không mua cho con sẽ để lại trong ký ức của trẻ ấn tượng “Hồi bé mình thích cái gì bố mẹ cũng đều mua cho”, hoặc “Hồi bé mình chả mấy khi có được thứ mình thích”.

Nhu cầu giao tiếp xã hội

Trẻ càng lớn thì nhu cầu giao tiếp cùng bạn bè càng nhiều. Chẳng hạn như thời gian gần đây nhóm bạn của trẻ rất thích sưu tầm quân bài có hình các nhân vật hoạt hình, mấy ngày liền gặp nhau chơi chung các bé đều mang những quân bài mình có được ra trao đổi, xem ai có nhiều hình “độc”. Con của bạn vốn dĩ không thích chơi những quân bài ấy, nhưng vẫn muốn bạn mua cho bé mỗi lần bắt gặp. Trong trường hợp này, những quân bài trở thành chủ đề chung để các bé kết nối với nhau, có thể gắn kết mối quan hệ thân thiết giữa các bé. Nếu bố mẹ từ chối mua cho trẻ những món đồ trở thành “trào lưu” trong nhóm bạn của bé, cũng có nghĩa cắt bỏ sợi dây kết nối giữa con và các bạn cùng trang lứa.

tre-doi-mua-do-2.jpg

Rất nhiều bố mẹ mong muốn con mình khi trưởng thành sẽ không đặt niềm vui, hạnh phúc của bản thân vào các món đồ vật chất. Đáp ứng nhu cầu vật chất của trẻ không phải biến trẻ thành con người “vật chất”. Thông thường những người theo đuổi vật chất là người đã từng trải qua thiếu thốn về cả vật chất và tình cảm, muốn dùng các món đồ vô tri để lấp đầy sự thiếu thốn đó.

Tất nhiên bố mẹ không nhất định phải chiều theo ý con, trẻ đòi mua gì đều đáp ứng cho trẻ. Nếu bạn thực sự không thể mua cho con đồ mà bé thích, hãy thẳng thắn nói với con rằng mình không thể mua. Nếu sau đó trẻ có tâm trạng tiêu cực thì bạn hãy an ủi bé, nhưng đừng la mắng hay nói lời giáo huấn với con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm